22:08 06/03/2019

Cựu chủ tịch Nissan được tại ngoại nhờ gần 9 triệu USD bảo lãnh

Minh Nhật

Việc Carlos Ghosn được tại ngoại ngay trong giai đoạn đầu của quá trình xét xử gây bất ngờ với giới tư pháp Nhật Bản

Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn rời Trại giam Tokyo ngày 6/3 sau khi được bảo lãnh - Ảnh: Nikkei.
Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn rời Trại giam Tokyo ngày 6/3 sau khi được bảo lãnh - Ảnh: Nikkei.

Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn ngày 6/3 được tại ngoại sau 108 ngày tại Trại giam Tokyo. Ông kiên quyết bác bỏ những cáo buộc gian lận tài chính từ các công tố viên Nhật và Nissan Motor - hãng ôtô được ông cứu khỏi bờ vực sụp đổ gần 2 thập kỷ trước, theo Nikkei.

Việc Carlos Ghosn được thả, với yêu cầu giám sát bằng camera và hạn chế nghiêm ngặt, là động thái hiếm có của Tòa án Quận Tokyo. Ông được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 1 tỷ Yên (8,93 triệu USD) và tiếp tục chuẩn bị cho quá trình chứng minh mình vô tội. 

"Tôi vô tội và kiên quyết bảo vệ bản thân trong một phiên tòa công bằng chống lại những lời buộc tội vô căn cứ", Ghosn phát biểu trong một thông cáo vào đêm trước khi được thả. 

Việc ông được thả tại ngoại ngay trong giai đoạn đầu của quá trình xét xử - trước cả khi các thủ tục tố tụng với bằng chứng từ các bên được đưa lên thẩm phán - gây bất ngờ với giới chuyên gia tư pháp Nhật Bản. Năm 2017, chỉ có khoảng 30% bị cáo hình sự tại Nhật được tại ngoại nhờ bảo lãnh trước phiên tòa xét xử đầu tiên, theo số liệu mới nhất. 

Việc chấp thuận bảo lãnh cho ông Ghosn ở thời điểm này là "bất thường", Yasuyuki Takai, một cựu công tố viên, nhận xét. "Thật đáng kinh ngạc khi thấy một bị cáo được bảo lãnh tại ngoại trước cả phiên sơ thẩm", Yoji Ochiai, một cựu công tố viên khác, cho biết. 

Đội ngũ luật sư bảo vệ quyền lợi của Ghosn, được chỉ định vào tháng trước, cho biết đã đề xuất những điều kiện "vô cùng nghiêm ngặt" cho việc tại ngoại để thuyết phục tòa án sau hai lần bảo lãnh bất thành. 

Luật sư mới của cựu chủ tịch Nissan, Junichiro Hironaka - người từng giúp nhiều khách hàng được tha bổng trong các vụ án lớn, cho biết một camera giám sát sẽ được đặt ở lối vào căn hộ tại Tokyo nơi ông Ghosn ở - do tòa án chỉ định. Máy tính và điện thoại di động của ông không được phép truy cập internet. Hình ảnh từ camera giám sát sẽ thường xuyên được trình lên tòa án. 

Ông Ghosn cũng sẽ không được phép tiếp xúc với bất kỳ ai liên quan tới vụ án. Tuy nhiên, ông có thể tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của Nissan, Mitsubishi Motors và hãng xe Pháp Renault nếu được tòa án cho phép. Hiện ông vẫn là giám đốc của cả 3 hãng xe này - liên minh ôtô lớn nhất thế giới. 

Điều kiện tại ngoại cuối cùng là các luật sư sẽ giữ 3 hộ chiếu (Leban, Brazil và Pháp) của Ghosn để đảm bảo ông không tìm cách rời khỏi Nhật. 

Các luật sư nhận định các điều kiện để được toại ngoại của Ghosn là "nghiêm ngặt khác thường".

"Tôi chưa bao giờ nghe thấy điều kiện tại ngoại là cấm sử dụng máy tính", Takai cho biết. "Tòa án hẳn đã đánh giá rằng Ghosn có thể sẽ tìm cách giả mạo bằng chứng bằng công nghệ".

Thời gian giam giữ cựu chủ tịch Nissan kéo dài khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích hệ thống tư pháp của Nhật. Một số tờ báo quốc tế còn cáo buộc Nhật thực thi "công lý kiểu con tin", khi bị cáo hiếm khi được bảo lãnh nếu chưa nhận tội. Các công tố viên Nhật cho biết tỷ lệ kết án là trên 99%. 

Các luật sư của gia đình Ghosn mới đây cũng nộp hồ sơ lên một nhóm hoạt động thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nói rằng việc ông bị giam giữ là vi phạm nhân quyền. 

Ghosn bị bắt vào ngày 19/11/2018 với cáo buộc gian lận tài chính, làm giả số liệu thu nhập để trốn thuế, lạm dụng tín nhiệm. Sau đó, ông bị sa thải khỏi vị trí chủ tịch Nissan. Trước đó gần 20 năm, ông là người chèo lái giúp hãng xe Nhật thoát khỏi bờ vực phá sản và thúc đẩy hình thành liên minh với hãng xe Pháp Renault - nơi ông cũng giữ vị trí chủ tịch. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei hồi tháng 1, Ghosn khẳng định việc ông bị bắt giữ là kết quả của "âm mưu và phản bội" của các giám đốc tại Nissan - những người muốn ngăn kế hoạch sáp nhập Renault và Nissan của ông.