17:16 08/08/2019

Dàn lãnh đạo bị bắt hé lộ những sai phạm ngàn tỷ ở VEAM

Bạch Huệ

Theo tài liệu chuyển sang cơ quan điều tra, những lãnh đạo VEAM bị khởi tố và bắt tạm giam có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ngàn tỷ ở tổng công ty này

VEAM là tổng công ty đang sở hữu 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford.
VEAM là tổng công ty đang sở hữu 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở VEAM và một số đơn vị thành viên và ra quyết định khởi tố ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp.

Dàn lãnh đạo VEAM này bị bắt vì có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ngàn tỷ ở VEAM.

VEAM trước nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Theo nguồn tin của VnEconomy, kết luận thanh tra từ năm 2010 đến tháng 6/2018 của Bộ Công Thương đã chỉ ra loạt các sai phạm tại VEAM.

Về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ VEAM có nhiều sai phạm. Công tác kiểm kê tài sản chưa đầy đủ, không chính xác, ghi nhận tài sản nhưng không kiểm kê, Mất tài sản 1 chiếc ô tô Fortuner với giá 1 tỷ đồng. Năm 2013, VM (nhà máy ô tô Hàn Quốc mà VEAM mua) nhận tài sản cố định nhưng hai bên không kiểm kê tài sản để ghi nhận chi tiết tài sản khi được bàn giao với giá trị tài sản cố định là 652 tỷ đồng. Tính và trích khấu hao với Disoco (tài sản điều chuyển từ VEAM) thực hiện khấu hao năm 2010 cao hơn khấu hao 1 lần là 6,16 tỷ đồng.

Nhà máy ôtô VEAM năm 2010 trích khấu hao thiếu 3,6 tỷ đồng, năm 2011 chưa trích khấu hao 6,9 tỷ, năm 2012 là 8,7 tỷ, năm 2017 trích khấu hao cao hơn 1 lần là 10,7 tỷ… Ghi nhận tăng giảm, điều chuyển tài sản không đúng như Viện công nghệ ghi giảm gần 29,5 tỷ đồng. Ngoài ra, việc mua sắm ô tô cũng vượt quy định của Bộ Tài chính, nhiều xe không tiến hành mua theo đấu thầu. Xưởng công nghệ cao của VEAM mới đạt 30% hiệu suất.

Một số đơn vị thuộc VEAM thua lỗ, gây mất vốn nhà nước như chi nhánh Bắc Kạn, nhà máy VM kinh doanh trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là 331 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 1/1/2018, TACMA đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm 36 tỷ. Công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất 5,6 tỷ vốn. Công ty VEAM Korea mất vốn 208 triệu won. Trong đó, Tổng công ty VEAM mất 185 triệu won, tương ứng 3,7 tỷ đồng.

VEAM còn thực hiện góp vốn điều lệ tại một số đơn vị vượt quá số cho phép như tại Công ty TNHH Cơ khí Mê Linh vượt 3,1 tỷ; sử dụng vốn không đúng mục đích với việc TACMA chi sai 2,7 tỷ từ khoảng 49,7 tỷ mà VEAM hỗ trợ và số tiền 33,7 tỷ từ khoản hỗ trợ di dời cơ sở từ Công ty CIRI; Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo đã sử dụng 112,6 tỷ không đúng mục đích: Viện Công nghệ khen thưởng, phúc lợi vượt số dư của quỹ.

Trong công tác đầu tư dự án, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị VEAM cũng vướng nhiều sai phạm về quản lý hồ sơ, chất lượng, tiến độ và thanh quyết toán: Thiếu nhiều hồ sơ dẫn đến không đủ điều kiện để thanh toán gói thầu số 3 tại dự án phòng thí nghiệm động lực tại VEAM với giá trị 374 triệu đồng, một số góp thầu tại Viện Công nghệ giá trị hơn 504 triệu, đề tài 165X giá trị 1,3 tỷ đồng, một số dự án tại TAMAC giá trị 37 tỷ…

Công tác mua sắm trang thiết bị đầu tư của VEAM cũng không hiệu quả. Tại dự án VM hạng mục đầu tư phục vụ vận hành sản xuất năm 2012 của nhà máy VEAM Thanh Hoá - dây chuyền Nam Kinh giá trị 6,1 tỷ, dự án đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất xe Hyundai giá trị 26 tỷ, hạng mục bổ sung thiết bị dây chuyền hàn tự động MS giá trị 6,1 tỷ, dự án đầu tư máy kéo bốn bánh hạng trung gây thiệt hại 69 tỷ.

VEAM có sai phạm lớn trong công tác tổ chức cán bộ đó là không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ như không ban hành quyết định bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị trực thuộc, không ban hành quy chế hoạt động của người đại diện tại doanh nghiệp có phần vốn góp của tổng công ty, nhiều sai sót trong ban hành một số quyết định nhân sự, hồ sơ bổ nhiệm không đủ…

Việc quản lý, sử dụng đất của VEAM cũng có nhiều vi phạm như khu đất 25A Vũ Ngọc Phan (Dống Đa, Hà Nội thuộc Viện Công nghệ); quản lý lô đất 27B Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh), nhà nghỉ Sầm Sơn… Một số khu đất khác cũng có nguy cơ thất thoát mất tài sản như Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo (khu đất 18 Tam Trinh, Hoàng Mai); khu đất 18 Đoàn Trần Nghiệp, khu đất 3,4ha thuộc Khu đô thị mới Nam Hồ Linh Đàm, khu đất 168 Ngô Quyền * Thanh Hoá) thửa đất ở 70 Lý Chiêu Hoàng (quận 6), khu đất ở sống  Công, Thái Nguyên…

Nhiều sai phạm trong quản lý dòng tiền nghìn tỷ

VEAM là tổng công ty đang sở hữu 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Với lượng tiền cổ tức được chia mỗi năm lên tới vài ngàn tỷ đồng, VEAM luôn rủng rỉnh về dòng tiền. Năm 2017, VEAM lãi hơn 5.100 tỷ, năm 2018 tổng công ty lãi 7.126 tỷ. Tuy vậy, việc sử dụng dòng tiền của công ty cũng có nhiều sai phạm.

Kết luận thanh tra VEAM cho thấy tổng công ty đã cho các thành viên vay tiền tính lãi suất trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng số 47. Một số các đơn vị VEAM cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm, mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát đặc biệt, khả năng thu hồi vốn khó khăn.

Việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản, một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Số tiền VEAM hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên chưa thu hồi được là 595 tỷ đồng.

Số tiền phải thu của khách hàng tồn đọng lớn là 880 tỷ với tài khoản 131, và 5.919 tỷ đồng với tài khoản 138, trong đó Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng là 95 tỷ đồng, Công ty TNHH Máy Kéo và Máy Nông nghiệp là 68,5 tỷ, Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ là 136 tỷ đồng, Công ty Vetranco là 216 tỷ.

Một số đơn vị thành viên có nợ quá hạn chưa thu hồi được ở VM với số nợ quá hạn trên 3 năm là 3,67 tỷ, DISOCO là 8,7 tỷ. Nợ khó đòi tại Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo là gần 24 tỷ, Viện Công nghệ trên 2 tỷ và TAMAC là gần 28 tỷ.

Việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai nhưng đến nay vẫn chưa giao hàng đủ, nhiều linh kiện chưa lắp ráp, trách nhiệm chủ yếu thuộc về ông Trần Ngọc Hà.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo kết luận thanh tra, những sai phạm lớn này thuộc trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc giai đoạn 2010 - 2011), ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004 - 2011, Tổng giám đốc từ 2011 - 2015), ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch từ năm 2011 - 2014, Tổng giám đốc từ năm 2015 - 2018), ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch từ năm 2015 đến nay), Phạm Đình Công Nhân (Giám đốc công ty giai đoạn 2006 - 2011), người đại diện vốn nhà nước, kế toán trưởng, Chủ tịch các đơn vị thành viên, ban giám đốc đơn vị thành viên và các phòng ban có liên quan.