14:47 13/03/2023

Đang thuộc diện cảnh báo do do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm, VIG đặt mục tiêu lãi gấp gần 20 lần năm 2023

Khánh Linh

Chứng khoán VICS (VIG) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 65% so với năm 2022 lên mức 118,8 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, cao gấp hơn 19 lần...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán VICS (VIG) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng kinh doanh.

Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh năm 2023, VIG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 65% so với năm 2022 lên mức 118,8 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, cao gấp hơn 19 lần.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu hoạt động tự doanh dự kiến tăng 39% từ 56 tỷ đồng thực hiện năm ngoái giảm còn 43 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh cho cho vay margin tăng mạnh lên 36 tỷ đồng trong khi năm ngoái chỉ vỏn vẹn 520 triệu đồng, doanh thu môi giới tăng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý công ty giảm mạnh từ 56 tỷ đồng còn 12 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, năm 2022, Chứng khoán VICS cũng đặt mục tiêu lợi nhuận rất lớn 170 tỷ đồng nhưng thực hiện được chỉ 2,6 tỷ đồng. Doanh thu đặt kế hoạch 350 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 72 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu tự doanh 140 tỷ đồng nhưng thực hiện 56 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ môi giới 100 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 10 tỷ đồng. Doanh thu khác mục tiêu 100 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,4 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chứng khoán khó khăn như hiện tại, nhiều khả năng VICS sẽ rơi vào tình trạng như năm 2022, đặt mục tiêu kinh doanh rất lớn nhưng thực hiện lại không đáng kể. Trên thực tế, thống kê của VnEconomy cho thấy, đã có nhiều công ty chứng khoán lớn trên thị trường đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi so với năm 2023 như Chứng khoán Bản Việt, Chứng khoán FPTS, Chứng khoán Kiến Thiết...

VIG đặt mục tiêu kinh doanh rất lớn nhưng thực hiện lại không đáng kể. 
VIG đặt mục tiêu kinh doanh rất lớn nhưng thực hiện lại không đáng kể. 

Ban lãnh đạo của VICS dự báo lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết năm 2023 sẽ chỉ tăng trưởng 12,5%, giảm so với mức tăng trung bình 16,4% trong giai đoạn 2018 – 2021. Mức tăng dự báo hồi phục lên 14% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, P/E forward 2023 ước tính hiện đang ở mức 9,7x, nằm sâu dưới mức – 2 lần độ lệch chuẩn quá khứ. P/E 2024F ước tính ở mức 8,5x. Đây là mức định giá thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam và rất hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện tại phổ biến trong khoảng 6,7 – 9,5%/năm, tương đương P/E 10,5 – 14,9x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất sẽ giảm dần từ quý cuối năm 2023 trở đi trong khi tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong năm 2024 khiến kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng trở nên sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Chứng khoán VICS cho rằng điểm tích cực ở thời điểm hiện tại là áp lực bán giải chấp đã giảm mạnh so với thời điểm cao nhất năm 2022, dù tỷ lệ cho vay margin/vốn hoá tăng lên tại vùng giá thấp. Nếu hệ thống giao dịch mới KRX được đưa vào vận hành từ giữa năm 2023 sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.

Trước đó, ngày 17/02/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định duy trì diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu VIG do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là số âm trên BCTC kiểm toán năm 2022.

Theo VICS, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 âm 164,4 tỷ đồng từ các khoản lỗ kinh doanh lũy kế năm 2011 và 2012 là chủ yếu và số lỗ lũy kế chiếm 36,47% vốn điều lệ mới.

Mặt khác, VICS cũng cho biết do năm 2022 Công ty thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư tài sản tài chính, tăng vốn phát hành thêm 110 tỷ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 2.64 tỷ đồng, nhưng việc tăng vốn này chỉ mới hoàn thành vào cuối tháng 12/2022 nên chưa phát huy được hết hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nên hầu hết lợi nhuận của các công ty chứng khoán đều giảm.

Vì thế mà lợi nhuận của Công ty cũng chưa đạt được như kế hoạch đề ra để bù đắp các khoản lỗ lũy kế.

Cuối cùng, Công ty đề ra phương án khắc phục như sau. Đầu tiên, tích cực triển khai hoạt động kinh doanh để đạt lợi nhuận bù đắp cho lợi nhuận lũy kế còn âm. Thứ hai là phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn, tăng nguồn đầu tư cho hoạt động kinh doanh, đồng thời dùng các khoản vốn thặng dư (nếu có) và các quỹ dự phòng hiện đang có để bù đắp lỗ lũy kế này.