09:17 18/01/2019

Dầu trượt giá vì sản lượng kỷ lục của Mỹ

Diệp Vũ

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm do lo ngại về sản lượng dầu tăng cao của Mỹ

Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay sẽ vượt tốc độ tăng của nhu cầu tiêu thụ năng lượng này.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay sẽ vượt tốc độ tăng của nhu cầu tiêu thụ năng lượng này.

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm do lo ngại về sản lượng dầu tăng cao của Mỹ và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu ảm đạm, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Chốt phiên tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm khoảng 0,5%, còn 52,07 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,19 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 61,13 USD/thùng.

Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trung bình của toàn cầu 2019 còn 30,83 triệu thùng/ngày, giảm 910.000 thùng/ngày so với mức trung bình của năm 2018.

OPEC cũng cho biết sản lượng khai thác dầu của khối giảm 751.000 thùng/ngày trong tháng 12, một tín hiệu cho thấy OPEC đang tiến tới thực thi đầy đủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà khối đã đạt được với đối tác gồm Nga hồi đầu tháng trước.

Nhưng trong khi OPEC và đối tác hạ sản lượng, Mỹ lại đạt mức sản lượng dầu gần 12 triệu thùng/ngày trong tuần trước - một con số kỷ lục. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay sẽ vượt tốc độ tăng của nhu cầu tiêu thụ năng lượng này.

"Điều đó sẽ gây sức ép giảm lên toàn thị trường, ít nhất cho tới khi chúng ta có được một số thông tin mới", bao gồm từ OPEC - ông Thomas Saal, Phó chủ tịch INTL Hencorp Futures, nhận xét.

Tuy nhiên, ông Saal nói rằng thị trường đã lường trước được việc sản lượng dầu Mỹ tăng mạnh và đã phản ánh sự tăng đó vào giá dầu. "Đó là lý do vì sao giá dầu chỉ giảm ít chứ không giảm nhiều", ông nói.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày, dẫn tới tồn kho dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của nước này tăng mạnh, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.

Theo thỏa thuận đạt được giữa OPEC và đối tác, nhóm này sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng trong sản lượng khai thác dầu mỗi ngày trong nửa đầu năm nay.

Một phần nhờ thỏa thuận này, giá dầu đã hồi phục được khoảng 20% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 12. Mặc dù vậy, giá dầu gần đây giằng co trên ngưỡng 60 USD/thùng đối với dầu Brent và 50 USD/thùng đối với dầu WTI do thị trường còn lo ngại nhiều về quan hệ thương mại Mỹ-Trung và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

"Giá dầu Brent cần vượt được ngưỡng 62 USD/thùng trước khi chúng ta có thể nói về mốc 65 USD/thùng", trưởng bộ phận hàng hóa cơ bản của BNP Paribas, ông Harry Tchilingurian, phát biểu. "Từ mức giá đó, dầu sẽ hướng về mốc 70 USD/thùng nếu không có những tin xấu về đàm phán Mỹ-Trung".