10:45 12/09/2018

Để bắt kịp làn sóng chuyển đổi số

Minh Tú

Nhiều doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục cho thấy sự thiếu kỹ năng và nguồn lực mới trong quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại họp báo phát hành phiên bản tiếng Việt của cuốn sách “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” ngày 11/9 - Ảnh: VGP.
Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại họp báo phát hành phiên bản tiếng Việt của cuốn sách “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” ngày 11/9 - Ảnh: VGP.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam không chỉ tham gia với các quốc gia khác để kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN mà còn để thảo luận về những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ làm tăng thôi thúc chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này còn mang lại niềm vui cho các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Một báo cáo gần đây của Microsoft và IDC mang tên "Mở khóa tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương" đã chỉ ra rằng, 84% lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Nam Á thừa nhận cần phải chuyển thành "doanh nghiệp số" để duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về chuyển đổi số tại khu vực này khi mà các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục cho thấy sự thiếu kỹ năng và nguồn lực mới.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục chú trọng đào tạo nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế kỹ thuật số. Đó không phải là vấn đề của riêng châu Á. Công nghệ cũng sẽ sắp xếp lại thị trường lao động trong tương lai. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Kindsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức sẽ có khoảng 800 triệu người sẽ mất việc.

Vậy các doanh nghiệp đang làm gì để chuẩn bị cho sự thay đổi này?

"Ứng dụng công nghệ thích hợp, các doanh nghiệp có thể biến đổi số thành công. Điều này sẽ dẫn đến sự biến đổi kinh tế nói chung và để đảm bảo ứng dụng công nghệ phù hợp, tất cả hãy bắt đầu từ con người", ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định.

"Ông lớn" trong ngành công nghệ Samsung đã tiên phong đem đến những sản phẩm, giải pháp thông minh toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhanh với đổi mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 thông qua việc đưa Trung tâm trải nghiệm kỹ thuật số (Executive Briefing Center - EBC) vào hoạt động tại Khu CNC Tp.HCM mới đây. Đây là trung tâm trải nghiệm giải pháp doanh nghiệp Samsung lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ứng dụng công nghệ tiên tiến kỹ thuật số phục vụ sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ.

Tại FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã và đang đầu tư, ươm mầm những mô hình kinh doanh mới từ việc ứng dụng công nghệ. Sự ra mắt của ANTS và CyRadar, thông qua sự hỗ trợ của Quỹ khuyến khích khởi nghiệp Việt Nam chính là bước đi táo bạo cho cách tiếp cận này.

Còn Microsoft Việt Nam đang hợp tác với chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận để trang bị cho những người trẻ có kỹ năng kỹ thuật số thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện và giáo dục ở các thành phố và khu vực nông thôn. 2.000 thầy cô được đào tạo về khoa học máy tính toàn diện và hơn 200.000 thanh niên được học tập chương trình kỹ thuật số (tỉ lệ có việc làm là 70 – 90%) là những con số ấn tượng mà chương trình này mang lại.

Với làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ khóa STEM (viết tắt của Science, Technology, Engineering và Mathematics) đang nổi lên như một xu hướng giáo dục tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đây là mô hình giáo dục hiện đại đang được các quốc gia phát triển ứng dụng và cũng là một nội dung học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam từ năm 2018 để đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thông qua các chủ đề học tập.

Samsung cũng đang có những bước đi tương tự khi khuyến khích giáo dục theo phương pháp STEM bằng việc tập huấn cho các thầy cô trên cả nước nói chung và tại Tp.HCM nói riêng. Mới đây, Samsung đã phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành lập dự án Phòng đọc thiếu nhi - S.hub Kids, với mục đích tạo sân chơi và các lớp học về STEM cho thiếu nhi thành phố. Đây là sân chơi được mở cửa và phục vụ miễn phí cho tất cả các em thiếu nhi, học sinh trên địa bàn thành phố.

Rõ ràng, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang có sự chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0. Một trong những yếu tố tiên quyết để Việt Nam bắt kịp công cuộc chuyển đổi số với các quốc gia khác là phải có đội ngũ nhân lực có khả năng triển khai và thực thi. Và khi đó, Việt Nam đã có một sự chuẩn bị kỹ càng khi ứng dụng công nghệ thích hợp vào chính con người.