11:35 22/10/2018

Đê biển Vũng Tàu - Gò Công 155,6 nghìn tỷ: Đề nghị dừng nghiên cứu

Lan Ca

Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công có tổng vốn đầu tư rất lớn, việc huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước đến 31.122 tỷ là rất khó khả thi

Sơ đồ họa tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Sơ đồ họa tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công.

Bộ Giao thông Vận tại vừa có văn bản bản góp ý việc "lấy ý kiến về dự án Đê biển Vũng Tàu - Gò Công" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đề nghị không tiếp tục nghiên cứu đầu tư đối với dự án này.

Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công dài 28 Km, rộng 30 m có mục tiêu chính án là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng Tp.HCM trước mắt và lâu dài; tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho khu vực.

Nhiều tác động nghiêm trọng

Trong góp ý của mình, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, một trong những mục tiêu dự án là chống xâm nhập mặn nên sẽ hạn chế xâm nhập của nước biển, từng bước làm thay đổi tính chất vùng rừng ngập mặn, làm giảm diện tích rừng ngập mặn do chiếm dụng đất để xây dựng.

Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công (theo phương án 3 đã chọn) khi được xây dựng sẽ tác động trực tiếp đến luồng hàng hải Soài Rạp và Thị Vải - hai tuyến luồng hàng hải cực kỳ quan trọng trong các tuến luồng hàng hải cả nước, phục vụ trực tiếp nhóm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ với các khu bến cảng trên sông Soài Rạp, sông Đồng Nai, Cái Mép - Thị Vải… Trong đó, khu bến cảng Cái Mép thuộc cảng biển Vũng Tàu là cảng cửa ngõ quốc tế, theo quy hoạch sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực.

Việc dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công nhằm tạo thành vùng hồ nước ngọt phía trong cũng sẽ hạn chế lưu thông dòng chảy giữa trong hồ và ngoài hồ (phía biển) sẽ gây ra hiện tượng hạ thấp mực nước trong sông, làm giảm độ sâu chạy tàu trên các tuyến luồng hàng hải, các tàu trọng tải lớn sẽ rất khó khăn hành thủy khi vào, rời các khu bến cảng biển…

Mặc khác, tuyến đê biển này cũng khiến tàu qua đê biển vào trong sông sẽ tốn nhiều thời gian do phải qua âu tàu, mất thời gian chờ tàu làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm khả năng tham gia của Việt Nam vào giá trị gia tăng logistics của thế giới.

Vì vậy, theo Bộ Giao thông Vận tải, việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công ảnh hưởng, tác động rất nghiêm trọng đến giao thông vận tải đường biển, đường thủy nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa, định hướng phát triển các cảng biển của khu vực và khả năng trung chuyển quốc tế, có thể gây những thiệt hại đến phát triển kinh tế - xã hội.

Huy động hơn 31 nghìn tỷ ngân sách là khó khả thi

Về tổng mức đầu tư của dự án, theo báo cáo tóm tắt Quy hoạch đê biển Vũng Tàu - Gò Công lập tháng 12/2011 của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án khoảng 74.000 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của nhà nước khoảng từ 15-20% (khoảng từ 11.000-14.800 tỷ đồng); còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ việc đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng.

Tuy nhiên, theo báo cáo số 416/LHHVN ngày 19/6/2018 của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (các báo cáo này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kèm việc lấy ý kiến): (i) khái toán chi phí đầu tư xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công phương án kết hợp giao thông bộ là 155.610 tỷ đồng; (ii) khái toán chi phí đầu tư xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công phương án không kết hợp giao thông bộ là 135.189 tỷ đồng.

Nếu vốn đối ứng của nhà nước vẫn giữ tỷ lệ là từ 15-20% sẽ là từ 23.341 - 31.122 tỷ đồng cho phương án kết hợp giao thông bộ hoặc từ 20.278 - 27.037 tỷ đồng cho phương án không kết hợp giao thông bộ.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, đây là dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước đến 31.122 tỷ là rất khó khả thi. Mặt khác, số liệu nguồn vốn cần huy động này hiện chưa chuẩn xác do mới chỉ ở bước khái toán sơ bộ và có thể sẽ tăng lên khi tính toán chính xác khi thực hiện.

Dự án cũng chưa nêu được thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư dự án theo hình thức BT. Số liệu diện tích đất để hoàn trả cho nhà đầu tư cũng mới chỉ ước tính. Chưa tính toán đầy đủ vào khái toán tổng vốn đầu tư các chi phí trong việc tôn nền, hoàn chỉnh mặt bằng… để hoàn trả theo hình thức BT.

Với những tác động và hạn chế trên, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị không tiếp tục nghiên cứu đầu tư đối với dự án Đê biển Vũng Tàu - Gò Công.