Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về cơ sở tăng giá xăng, điện
Giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 gây quan ngại về áp lực lạm phát
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Sáng 8/5, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về nội dung trên.
Quan ngại áp lực lạm phát
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh một số nội dung, trong đó có CPI.
Theo báo cáo của Chính phủ, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ, bình quân 4 tháng tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,34%).
Chính phủ cho rằng áp lực lạm phát năm 2019 không quá lớn do giá hàng hóa thế giới được dự báo chỉ ở mức tương đương năm 2018 do giá cả hàng hóa dự kiến không biến động nhiều do nhu cầu thế giới ít có khả năng gia tăng đột biến và căng thẳng thương mại, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84% vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 gây quan ngại về áp lực lạm phát các quý tiếp theo và cả năm 2019, đồng thời giá thực phẩm năm 2019 có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Tín dụng đen vẫn phức tạp
Về lĩnh vực ngân hàng, cơ quan thẩm tra đánh giá, từ đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hỗ trợ ổn định tỷ giá USD/VND. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua lại bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn khó khăn. Việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc triển khai nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội liên quan đến công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; công tác thi hành án dân sự, xử lý tài sản bảo đảm… vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Nhận định tiếp theo từ cơ quan thẩm tra là vừa qua các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc đấu tranh, trấn áp mạnh hoạt động "tín dụng đen" và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội. Quy định pháp luật quản lý hoạt động này còn bất cập, chủ yếu là trấn áp các hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen như gây rối trật tự, phá hoại, cưỡng đoạt tài sản.
Vấn đề khác được Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh là tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chậm lại. Đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm cũng như tăng cường kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu.
Một số vụ việc gần đây cho thấy nhiều bất cập trong công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, quản lý đất công… Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới hoạt động, công tác phối hợp và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước với các Bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp, báo cáo thẩm tra nêu rõ.