15:35 07/06/2018

Đề nghị lùi thời gian thông qua luật về đặc khu

Nguyên Vũ

Đại biểu Thái Trường Giang đề nghị sau khi có kết quả giám sát về đất đai ở ba nơi lập đặc khu sẽ thông qua luật trong kỳ họp tới của Quốc hội

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội.

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 7/6 của Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát năm 2019, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị hoãn thông qua dự án luật về ba đặc khu.

Ngày 6/6 Tổng thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến đại biểu về 4 nhóm nội dung chuyên đề giám sát, trong đó có việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018.

Theo đại biểu Thái Trường Giang thì có thể lồng ghép với chuyên đề trên chương trình giám sát ở 3 nơi mà Quốc hội chuẩn bị cho lập đặc khu kinh tế.  Giám sát xem vấn đề đất đai ở đó được sử dụng, chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Và để chặt chẽ, đại biểu Thái Trường Giang đề nghị cân nhắc cẩn trọng về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Cụ thể là lùi thời gian, không thông qua trong kỳ họp này, sau khi có kết quả giám sát về đất đai ở ba nơi sẽ thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội.

Lùi thời gian thông qua, theo đại biểu Giang sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận ở kỳ họp này.

Cũng nhất trí với dự kiến giám sát về đất đai, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề nghị thời gian cụ thể nếu được chọn để giám sát tối cao thì thực hiện tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) còn nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thì bố trí vào phiên họp tháng 4/2019.

Vì, theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Vì vậy, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018 sẽ là căn cứ rất quan trọng trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, chuẩn bị cũng như khi Quốc hội xem xét cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Ngoài đất đai, Tổng thư ký Quốc hội còn dự kiến ba chuyên đề khác. Một là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018. Hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018. Ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Tại phiên thảo luận đại biểu đề nghị thêm một số vấn đề khác.Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) thì Quốc hội cần phải giám sát đặc biệt về tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Khái quát lại từ các phiên chất vấn, đại biểu Thảo nêu giải pháp chủ yếu vẫn là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời. Nhưng theo đại biểu thì nếu các giải pháp mới dừng lại ở mức như vậy sẽ không thực sự hiệu quả.

"Thực tế trong thời gian vừa qua, tất cả những hành động trên chúng ta đều đã làm mà tình trạng này vẫn diễn ra và có nhiều trường hợp còn mang tính chất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng", đại biểu nhấn mạnh.

Vị đại biểu Nam Định cho rằng Quốc hội cần bảo vệ quyền lợi của trẻ em kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Và để giải quyết vấn đề một cách triệt để, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.