22:28 03/01/2010

Đi tìm quán quân tăng trưởng của chứng khoán thế giới

Duy Cường

Chứng khoán toàn cầu năm qua nhìn chung có thể chia làm hai giai đoạn chính: trước và sau ngày 9/3/2009

Niềm vui của nhà đầu tư ở Phố Wall khi Dow Jones vượt mốc 10.000 điểm - Ảnh: Reuters.
Niềm vui của nhà đầu tư ở Phố Wall khi Dow Jones vượt mốc 10.000 điểm - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán toàn cầu năm qua nhìn chung có thể chia làm hai giai đoạn chính: trước và sau ngày 9/3/2009.

Đi lên từ đáy…

Hiệu ứng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - bắt đầu từ cuối năm 2008 - tiếp tục thể hiện rõ trong giai đoạn từ đầu năm 2009 đến đầu tháng 3/2009, khi kinh tế toàn cầu tiếp tục chứng kiến sự tụt dốc của các nền kinh tế phát triển và đà suy giảm đáng lo ngại của các thị trường mới nổi.

Những chính sách kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD của các nước phát triển được công bố. Còn ngay cả nền kinh tế luôn có mức tăng trưởng trên 10% như Trung Quốc cũng đã công bố gói kích cầu trị giá 585 tỷ USD.

Vào thời điểm đó, những lo ngại về một cuộc đại suy thoái kinh tế từng xảy ra thập niên 1930 có vẻ sắp thành hiện thực. Thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục xảy ra những đợt rung lắc mạnh. Những phiên giảm điểm trên 3% ở Mỹ, châu Âu và giảm trên 5% ở châu Á đã có thời điểm là “chuyện thường ngày”.

Các báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm từ 20- 40% trong những tháng đầu năm đã khiến bức tranh về triển vọng kinh tế và doanh nghiệp trở nên u ám. Bên cạnh đó, việc nhiều ngân hàng ở Mỹ vẫn đều đặn công bố bị thâu tóm hoặc phá sản đã khiến thế giới lo ngại về một nền tảng tài chính vẫn còn “mong manh” của Phố Wall.

Và ngày đen tối nhất của chứng khoán toàn cầu diễn ra vào 9/3/2009, khi hầu hết các thị trường xuống thấp nhất trong năm 2009.

Đi tìm quán quân tăng trưởng của chứng khoán thế giới - Ảnh 1
Biểu đồ tăng/giảm của chứng khoán thế giới từ cuối năm 2008 đến ngày 9/3/2009 (đơn vị: %) - Nguồn: CNBC, Reuters.

Cụ thể, tại Phố Wall, Dow Jones đã xuống 6.547,05 điểm, S&P 500 xuống 676,53 điểm và Nasdaq xuống 1.268,64 điểm - những mức này lần lượt giảm 25,4%, 25,1%, 19,55% so với cuối năm 2008.

Tại châu Âu, tính đến ngày 9/3, cả ba chỉ số chính đều có mức giảm trên 20% so với cuối năm 2008, trong đó thị trường Đức đã giảm tới 23,24%.

Tại châu Á, ngày 9/3, chứng khoán Hồng Kông giảm gần 5% do ảnh hưởng từ sự sụt giảm 24,14% của cổ phiếu HSBC trước thời điểm ngân hàng này phát hành cổ phiếu tăng vốn. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã giảm điểm phiên đầu tuần xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua.

Như vậy, ngoại trừ thị trường chứng khoán Trung Quốc có được mức tăng hơn 16% so với cuối năm 2008, còn lại nhiều thị trường khác đã có mức giảm từ 20% trở lên, trong đó thị trường Việt Nam mất 21,47%.

Riêng thị trường chứng khoán Mỹ, trong hơn 2 tháng đầu năm, mức giảm của ba chỉ số chính đã vượt 25%, một mức giảm kỷ lục trong khoảng thời gian ngắn của thị trường vốn được xem là có tính ổn định bậc nhất thế giới này.

Bên cạnh đó, riêng Dow Jones vào ngày 9/3/2009 đã giảm 53,54% so với thời điểm chỉ số này thiết lập đỉnh 14.093 điểm vào ngày 8/10/2007.

Tuy nhiên, sau ngày 9/3/2009, thị trường chứng khoán thế giới bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ. Các chỉ số tăng điểm liên tục trong suốt 7 tháng liên tiếp, từ tháng 3-9. Các kỷ lục về chuỗi tuần, tháng tăng điểm liên tục bị phá vỡ. Các ngưỡng kháng cự liên tục bị vượt qua và nhiều ngưỡng giá trị cao mới liên tục được thiết lập.

Sự phục hồi bước đầu của nền các nền kinh tế phát triển, sự tăng tốc của các nền kinh tế mới nổi đã tiếp sức cho các thị trường chứng khoán đi lên vững chắc và thiết lập mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau ngày 9/3/2009 đến hết năm 2009.

Quán quân tăng trưởng 2009

Năm 2009, trong số các thị trường phát triển, chứng khoán Canada tăng điểm mạnh nhất với biên độ 28%, tiếp theo là thị trường Mỹ với mức tăng 23,45% của chỉ số S&P 500. Trong khi đó, thị trường Nhật lại có mức tăng khiêm tốn nhất với biên độ hơn 19% của Nikkei 225.

Đối với thị trường mới nổi và đang phát triển, thị trường chứng khoán Nga đã tăng điểm ấn tượng nhất với biên độ tăng gần 130%, tiếp theo là thị trường Brazil (82,66%), Ấn Độ (81,03%), Trung Quốc (80%), Đài Loan (78,34%)…

Trong số 4 chỉ số chứng khoán của khu vực Đông Nam Á được đưa vào so sánh, chứng khoán Singapore đạt mức tăng mạnh nhất với biên độ 64,49%, tiếp theo là thị trường Thái Lan (63,25%), Việt Nam (56,76%) và Malaysia (23,35%).

Trên biểu đồ chứng khoán thế giới năm 2009 có thể nhận thấy mức phục hồi của các thị trường mới nổi và đang phát triển diễn ra nhanh, mạnh và nhiều thị trường đã lấy lại những gì đã mất trong năm 2008.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy mức phục hồi dưới 30% của thị trường Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada không thấm vào đâu so với sự sụt giảm của năm 2008, khi thị trường chứng khoán của các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều giảm trên 31%, trong đó chỉ số Shanghai Composite dẫn đầu về biên độ giảm điểm với hơn 65%.

Đi tìm quán quân tăng trưởng của chứng khoán thế giới - Ảnh 2
Biểu đồ tăng trưởng của chứng khoán thế giới năm 2009 (đơn vị: %) - Nguồn: CNBC, Reuters.

Dấu ấn châu Á

Nói về thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2009, không thể không nhắc tới ngày giao dịch đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Bombay khi phải đóng cửa giao dịch, vì… các chỉ số tăng điểm quá mạnh, vượt biên độ cho phép. Chỉ số BSE tăng 2.110,79 điểm, tương đương 17,34%; chỉ số S&P CNX Nifty cũng tăng 636,4 điểm, tương đương 17%.

Điểm đáng chú ý thứ hai ở thị trường chứng khoán khu vực chính là việc vào ngày 15/7/2009, lần đầu tiên trong 1 năm rưỡi, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Với gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng tăng tốc, đã giúp thị trường chứng khoán lên điểm, đưa giá trị của thị trường chứng khoán lên mức 3.210 tỷ USD, cao hơn mức 3.200 tỷ USD của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Trong khi đó, dù không nổi bật trong bản đồ chứng khoán châu Á, nhưng chứng khoán Việt Nam cũng đã đạt được những dấu ấn đáng “kinh ngạc”. Với mốc điểm thấp nhất trong năm ở mức 235,5 điểm ngày 24/2 và mức cao nhất 623,21 điểm ngày 24/10, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 170%. Đây là mức phục hồi lớn nhất trong số các thị trường chứng khoán thế giới.

Trong cả năm 2009, VN-Index đã tăng 56,76% và vẫn chưa thể lấy lại mức sụt giảm hơn 65% của năm 2008. Tuy nhiên, với niềm tin đang dần ổn định trở lại cũng như những dự báo lạc quan năm 2010, giới phân tích cho rằng VN-Index sớm đạt được sự tăng trưởng ấn tượng.

Những thay đổi lớn ở Phố Wall

Thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2009 chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể. Giới phân tích có lúc đã nghi ngờ khả năng một số ngân hàng lớn ở Phố Wall bị quốc hữu hóa, giá cổ nhiều cổ phiếu Citigoup có lúc xuống dưới 1 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, Bank of America ngày 6/3/2009 đã xuống còn 3,14 USD/cổ phiếu. Hai cổ phiếu lớn trong Dow Jones là GM và Citigroup - vốn tồn tại song song với lịch sử của hàn thử biểu 30 blue-chip - đã chính thức phải nhường lại vị trí cho hai hãng công nghệ và bảo hiểm Cisco Systems và Travelers.

Thế nhưng sau đó, thị trường đã có đợt phục hồi mạnh mẽ, kéo dài trong suốt 7 tháng liên tiếp (từ tháng 3-9/2009). Đây là kết quả của nhiều thông tin tích cực từ đà phục hồi của nền kinh tế; kết quả kinh doanh quý 3 của hơn 70% tập đoàn lớn trong chỉ số S&P 500 đều vượt dự báo…

Một minh chứng lớn nhất đối với việc khủng hoảng tài chính đã qua đi là việc giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã tăng gấp nhiều lần, trong đó Bank of America có lúc đã tăng lên hơn 19 USD/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức trên 15 USD/cổ phiếu.

Trên biểu đồ tăng trưởng của cổ phiếu 10 ngành công nghiệp ở Phố Wall, mức tăng trưởng gần 60% của nhóm ngành công nghệ thông tin một phần đã cho thấy sự phục hồi ấn tượng của thị trường trong năm 2009.

Đi tìm quán quân tăng trưởng của chứng khoán thế giới - Ảnh 3
Biểu đồ tăng trưởng của cổ phiếu 10 ngành công nghiệp ở Mỹ năm 2009 (đơn vị: %) - Nguồn: CNBC, Reuters.

Dù đạt được thành công nhất định trong năm 2009, nhưng nếu nhìn lại một thập kỷ qua, Phố Wall đã phải chứng kiếm sự suy giảm khá mạnh của cả ba chỉ số chứng khoán chính. So với tháng 12/1999, chỉ số Dow Jones đã giảm 9,3%, Nasdaq hạ 44,24% và S&P 500 xuống 24,1%.

Năm 2009 được đánh giá là năm của sự phục hồi của nhiều nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Những lo ngại về hệ lụy của năm khủng hoảng 2008 đã được vượt qua một cách ấn tượng trong năm 2009 và vì vậy, nhà đầu tư trên toàn cầu có quyền hy vọng cho năm 2010 tốt lành.

Toàn cảnh chứng khoán thế giới 2009:

Thị trường

Chỉ số

Giá trị đóng cửa ngày 31/12/2009Tăng trưởng năm 2009 (%)% giảm điểm năm 2008

Mỹ
Dow Jones 10.428,05Up18,82Down34,6
Nasdaq2.269,15Up43,89Down41,5
S&P 5001.115,10Up23,45Down39,3
AnhFTSE 1005.412,88Up22,07Down31,5
ĐứcDAX5.957,43Up23,85Down39,5
PhápCAC 403.936,33Up22,23Down42,0
Đài LoanTaiwan Weighted8.188,11Up78,34Down44,8
NhậtNikkei 22510.546,44Up19,04Down42,1
Hồng KôngHang Seng21.872,50Up52,02Down48,8
Hàn QuốcKOSPI Composite1.682,77Up49,65Down40,7
SingaporeStraits Times2.897,62Up64,50Down49,0
Trung QuốcShanghai Composite3.277,14Up80,00Down65,2
Ấn ĐộBSE 3017.464,81Up81,03Down52,2
AustraliaASX4.882,70Up33,43Down44,1
Việt NamVN-Index 494,77Up56,76Down65,9
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg