14:33 20/03/2008

35.000 tỷ đồng xây nhà cho người thu nhập thấp?

Công Lý

Hỏi chuyện Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về đề án xây dựng nhà cho thuê và bán cho người thu nhập thấp

"Đề án nhà ở xã hội cần tới số vốn là 35.000 tỷ đồng".
"Đề án nhà ở xã hội cần tới số vốn là 35.000 tỷ đồng".
Hỏi chuyện Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về đề án xây dựng nhà cho thuê và bán cho người thu nhập thấp.

Thưa Thứ trưởng, vấn đề nhà ở xã hội cho cán bộ công chức, người có thu nhập thấp đã được bàn đến từ lâu, nhưng sao đến nay Bộ Xây dựng mới xây dựng đề án này?

Lần đầu tiên cụm từ “nhà ở xã hội” được đề cập trong Luật nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, theo đó Điều 45 quy định: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Tổ chức, cá nhân phát triển quỹ nhà ở xã hội được Nhà nước miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng nhà ở xã hội, được miễn, giảm các khoản thuế liên quan theo quy định của pháp luật”.

Rồi Nghị định 90, Thông tư 05 đều quy định về nhà ở xã hội, nhưng đến nay mọi chuyện xung quanh những đề án xây dựng nhà ở xã hội vẫn dừng chân tại chỗ do nhiều lí do, chủ yếu là do thiếu kinh phí và đề án cụ thể.

Ngay từ năm 2006 Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều chương trình chuẩn bị cho công tác xây dựng như cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội do Cục Quản lý nhà và Hội Kiến trúc sư tổ chức. Bộ cũng đã có đề án thí nghiệm xây dựng nhà ở xã hội ở Hà Nội, Tp.HCM và Bình Dương.

Đến nay chỉ có Hà Nội và Bình Dương có đề án trình nhưng khi thực hiện thì hiệu quả chưa cao. Mới đây nhất và có lẽ là khả quan nhất là đề án “Phát triển nhà ở xã hội thành phố Cần Thơ” mà Sở Xây dựng Cần Thơ đang hoàn tất các thủ tục cuối để trình duyệt. Theo đề án này thì từ nay đến năm 2020 Cần Thơ sẽ xây dựng trên 60.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp với tổng vốn đầu tư 10.800 tỷ đồng.

Hiện Bộ tiếp tục yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc xây dựng đề án xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương mình cụ thể hàng năm cho đến năm 2020. Theo đó đề án cần xác định rõ về quỹ đất xây dựng, nguồn vốn xây dựng để Bộ có kế hoạch cụ thể trình Chính phủ.

Nói đến vốn là một vấn đề khá nan giải khi xây dựng những công trình mang tính xã hội hoá cao này. Thưa Thứ trưởng, chúng ta sẽ lấy nguồn vốn ở đâu ra để thực hiện đề án này?

Theo đề án xây dựng nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng sẽ trình lên Chính phủ trong quý 3/2008 này thì tổng nguồn vốn đầu tư cho đề án lên tới 35.000 tỷ đồng. Đây là một số vốn khá lớn nên phương án mà Bộ đưa ra là xã hội hoá công tác xây dựng nhà ở xã hội.

Ngay trong Luật Nhà ở đã quy định việc miễn giảm nhiều loại thuế liên quan, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... với các dự án nhà ở xã hội. Đây sẽ là một chính sách nhằm kêu gọi đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra Bộ Xây dựng cũng sẽ trình Chính phủ một số chính sách để huy động vốn từ các nguồn đầu tư khác.

Nhiều khả năng Bộ sẽ đưa ra phương án thành lập các tổng công ty phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương theo mô hình một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Các tổng công ty này sẽ làm trung gian huy động vốn từ nhiều nguồn như từ ngân sách, quỹ nhà ở xã hội, người thuê nhà góp và từ chính việc góp vốn công ty...

Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về nhà ở như xây dựng chung cư bán cho người có thu nhập thấp nhưng đến nay hiệu quả chưa cao. Trong đề án sắp trình Chính phủ, Bộ có những phương án cụ thể nào?

Theo Cục Quản lý nhà thống kê thì hiện cả nước có khoảng 1.200 nghìn đối tượng là công nhân viên chức trong khối hành chính sự nghiệp, công nhân lao động các khu công nghiệp, các hộ nghèo là đối tượng được thuê hoặc mua căn hộ theo chương trình xây nhà ở xã hội.

Như vậy chúng ta cần phải xây dựng tới 35 triệu m2 nhà ở mới đáp ứng đủ nhu cầu, dự tính đến năm 2012 chúng ta sẽ xây dựng được khoảng 500.000 căn nhà xã hội trên toàn quốc...

Nên nhớ, đây là Nhà nước bỏ tiền ra để xây dựng nhà chung cư rồi cho các hộ dân đủ tiêu chuẩn thuê dài hạn hoặc mua trả góp. Đây là những nhà chung cư từ 5 đến 6 tầng không có thang máy, mỗi căn hộ từ 30 đến 60m2 có giá khoảng 400 triệu đồng. Người dân có thể trả góp trong 40 năm với mức lãi suất khoảng 3%/ năm.

Tuy nhiên giá thuê nhà này không thể tính cố định vì còn phụ thuộc vào biến động của giá cả thị trường tại từng thời điểm để tránh sự thiệt hại quá lớn cho chủ đầu tư. Những hộ dân miền núi, nông thôn không xây dựng nhà chung cư được thì sẽ được Nhà nước trợ cấp từ 10 - 11 triệu đồng để xây nhà, trong đó vốn Trung ương 8 triệu đồng, ngân sách địa phương 2 triệu đồng và những hộ ở khu vực đi lại khó khăn sẽ được thêm 1 triệu đồng tiền vận chuyển vật liệu xây dựng...

Chúng ta phải xác định rằng đây là đề án mang tính xã hội, không đặt ra mục tiêu sinh lời hay phải thu hồi đủ vốn đầu tư.

Trong Luật Nhà ở đã quy định rõ, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không được quyết định giá bán, giá thuê nhà mà giá phải do Nhà nước quy định. Ở đây là UBND các tỉnh sẽ tự đưa ra giá cho những căn hộ trên địa bàn mình theo nguyên tắc bảo toàn vốn để đầu tư tiếp xây dựng tiếp và chủ đầu tư sẽ theo đó áp dụng. UBND tỉnh cũng sẽ quyết định về đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội.