12:56 15/01/2020

Địa phương "than" đường sắt 7.600 tỷ treo 16 năm: Bộ Giao thông vẫn đang xem xét?

KIỀU LINH

Do dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh

Tuyến Yên Viên - Cái Lân là một trong 3 tiểu dự án chưa hoàn thiện.
Tuyến Yên Viên - Cái Lân là một trong 3 tiểu dự án chưa hoàn thiện.

Khởi công năm 2005 với tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) đến nay vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam có thiết kế tốc độ cao với tàu khách 120 km/h (tốc độ trung bình của đường sắt Việt Nam hiện là 50 km/h), tàu hàng 80 km/h.

Khi hoàn thiện toàn tuyến, tàu sẽ không phải mất 8 giờ đồng hồ chạy từ ga Yên Viên lên Kép (Bắc Giang) rồi vòng xuống Hạ Long như hiện nay; thay vào đó, hành trình tàu chạy thẳng từ Hạ Long đến Yên Viên sẽ còn khoảng 2 giờ (với tàu khách), từ 3 đến 4 giờ (với tàu hàng).

Tuy nhiên, trong số chiều dài gần 130 km toàn tuyến (được chia thành 4 tiểu dự án), hiện mới chỉ có đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ (đều trên địa bàn Quảng Ninh) chiều dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng được xây dựng hoàn thiện, còn lại hơn 120 km bỏ dở dang từ năm 2011 do khó khăn về nguồn vốn. Tình trạng này khiến nhiều nhà ga đầu tư trăm tỷ đồng ở Quảng Ninh mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng luôn vắng bóng tàu.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, cử tri tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Do dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cho đời sống người dân sinh sống trong vùng quy hoạch dự án, gây khiếu kiện kéo dài.

Nhiều năm qua người dân không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng nhà ở, đất đai, nhưng cũng không được đền bù và di dời. 

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Ouảng Ninh có 3.616 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua; đến thời điểm hiện nay Bộ đã cấp chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng là 106,28 tỷ đồng, số tiền còn lại cần chi trả khoảng 145 tỷ đồng. 

Mặc dù Đoàn Đại biểu quốc hội của tỉnh đã nhiều lần gửi kiến nghị của cử tri đến Bộ Giao thông Vận tải; tuy nhiên đến nay Bộ vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết. 

“Do đó, cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có phương án để trung ương ứng vốn, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, giúp ổn định đời sống của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp, kế hoạch cụ thể xúc tiến, tìm kiếm các Nhà đầu tư, huy động nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án nhằm phát huy hiệu quả của dự án”, công văn nêu.

Trước ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo kết quả rà soát của tư vấn cho thấy, dự án có hiệu quả về kinh tế; nếu tiếp tục dừng dãn, dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh hiện có. 

Vì vậy, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành dự án theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt. Đồng thời, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải cũng đang rà soát danh mục dự án (trong đó có Dự án này) để xem xét, đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới khi cân đối được nguồn vốn.

"Khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện dự án", Bộ Giao thông khẳng định.