09:51 08/11/2010

Điểm nóng tuần qua: “Bi kịch” của công nghệ Việt

Diệp Anh

Sẽ còn lại gì cho thương hiệu Việt, khi chúng ta không chỉ nhập khẩu nguyên liệu mà còn giao cả sản xuất cho nước ngoài

Có bao nhiêu chiếc điện thoại Việt thực sự "thuần" Việt?
Có bao nhiêu chiếc điện thoại Việt thực sự "thuần" Việt?
Hai năm trở lại đây, các dòng điện thoại mang thương hiệu Việt xuất hiện ngày càng nhiều. Giá cả của những mẫu dế này khá cạnh tranh, dao động từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm, một trang tin điện tử cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết những sản phẩm Việt này chỉ có "nội địa" ở mỗi cái mác, còn ruột thì đều của Trung Quốc. Theo trang Diễn đàn kinh tế Việt Nam, lịch sử hình thành dòng điện thoại ngoại khoác áo nội rất đơn giản.

Xuất phát điểm hầu hết của các công ty sở hữu điện thoại Việt, đều từng là các công ty phân phối cho các nhãn hàng nước ngoài. Cách đi của các công ty này là đặt gia công sản phẩm ở Trung Quốc và “đăng ký thương hiệu”, marketing sản phẩm ở Việt Nam.

Trang tin dẫn lời ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội điện tử Việt Nam, cho hay, trong một chiếc điện thoại như vậy, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không làm gì mà chỉ có cái tên.

Chưa kể nhiều sản phẩm còn bị dư luận đánh giá là ăn cắp mẫu mã của các thương hiệu quốc tế lớn. Ví dụ như gần đây, một thương hiệu điện thoại Việt đã ra mắt mẫu dế mới. Ngay sau đó, người tiêu dùng phát hiện thiết kế của chiếc điện thoại này bắt chước y chang dòng smartphone BlackBerry và lên án gay gắt.

Điều đáng lo hơn, không chỉ có điện thoại di động, nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng khác hiện đang được bán trên thị trường mang thương hiệu Việt cũng "hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Từ đây, một vấn đề được đặt ra là sẽ còn lại gì cho thương hiệu Việt, khi mà chúng ta không chỉ nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện phụ tùng từ bên ngoài mà còn nhường hẳn sản xuất cho bên ngoài.

Dịch vụ 3G ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thiện Bàng, Phó giám đốc kỹ thuật Vinaphone về thực tế ứng dụng mạng 3G ở Việt Nam tại buổi tọa đàm “Ứng dụng di động thời 3G” vừa diễn ra ở TP.HCM.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Bàng cho hay, “dịch vụ 3G ở Việt Nam hiện mới chỉ được một làn xe trong khi cơ sở hạ tầng mạng cho phép triển khai đến 12 làn xe. Chúng ta chưa có được dịch vụ 3G nào thật sự cao cấp”.

Nguyên nhân là do mặt bằng chung về ứng dụng thanh toán qua di động ở nước ta còn rất thấp, không đồng đều, khả năng bảo mật và niềm tin của người dùng chưa cao…

Theo ông, Việt Nam muốn phát triển ứng dụng 3G cần có sự đóng góp chung của cả xã hội, đặc biệt là các nhà phát triển ứng dụng và doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, chứ không phải chỉ riêng nhà mạng.

Đánh giá về thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phổ cập viễn thông và Internet của Việt Nam, cũng như việc mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam, báo Sài Gòn tiếp thị cho rằng, 10 năm mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam, phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững.

Theo tờ báo này, tại thời điểm năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có cạnh tranh, bởi VNPT vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần áp đảo trong hầu hết các dịch vụ viễn thông.

Thời điểm đó, dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn đang có mức cước cao. Cụ thể, điện thoại di động chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút và cách vùng là 8.000 đồng/phút. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới ở mức 0,3 triệu, toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại...

Với việc mở cửa thị trường viễn thông cho nhiều doanh nghiệp khác tham gia như Viettel, EVN Telecom, FPT Telecom, Gtel, Hanoi Telecom... thị trường viễn thông Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức bùng nổ.

Trong 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam được nhận định có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Hiện mức giá cước viễn thông Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực theo đúng tinh thần của Chỉ thị 58.

Tuy nhiên, theo tờ báo dẫn ý kiến của giáo sư Đặng Hữu - nguyên Trưởng ban chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển giữa các địa phương, thậm chí giữa nhiều bộ ngành là không đồng đều. Việc xây dựng hạ tầng mạng viễn thông cũng như phát triển Chính phủ điện tử hiện vẫn chưa thật đồng bộ.

Còn theo nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, song những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được một số mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản đề ra trong Chỉ thị 58. CNTT vẫn chưa trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Ngoại trừ lĩnh vực viễn thông đạt mức khá, trình độ CNTT Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với các nước tiên tiến trong khu vực. Việc ứng dụng CNTT chưa có tác dụng đổi mới hẳn lề lối làm việc, chưa tạo được thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Thị trường công nghiệp CNTT còn nhỏ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng thừa nhận, mặc dù đã có sự phát triển rất nhanh và mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội rất to lớn nhưng hiện nay, viễn thông Việt Nam vẫn đang phát triển ở tình trạng thiếu bền vững.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đến nay đã xuất hiện một số nguy cơ, ví dụ lợi nhuận trên doanh thu, vốn đầu tư, nộp ngân sách Nhà nước trong vài năm qua có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống, doanh thu trên một thuê bao giảm từ năm này qua năm khác, năng suất lao động cũng thấp.

Chất lượng mạng lưới dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt các dịch vụ băng rộng, Internet, nhiều lúc còn tắc nghẽn. Vấn đề an toàn, an ninh thông tin trên mạng cũng chưa bảo đảm, nhiều tội phạm mạng, hacker, virus..