07:45 16/01/2019

"Điểm rơi" tăng trưởng lợi nhuận của VNPT

Thủy Diệu

Nếu tính mức bình quân trong 5 năm qua, tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn VNPT đạt tới 24,7%

Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017.
Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017.

Sau giai đoạn tái cơ cấu 2013-2014 có thể coi là "điểm rơi" tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) khi 5 năm liên tiếp đạt mức tăng trên 20%.

2018 là một năm như vậy. Lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017, đánh dấu là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Nếu tính mức bình quân thì trong 5 năm qua, tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn VNPT đạt tới 24,7%.

Nhiều dấu ấn trong năm 2018

Ngoài con số tăng trưởng lợi nhuận trên, năm qua, Tập đoàn VNPT còn đạt được nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Như, tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, đạt 109,6% kế hoạch, tăng 23% so với thực hiện năm 2017.

"Nếu loại trừ ảnh hưởng của dịch vụ Vinasat thì tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 12,2%, tăng 22,3% so với thực hiện năm 2017", Phó tổng giám đốc VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm nói.

Tổng số thuê bao điện thoại của VNPT năm 2018 đạt khoảng 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động đạt 31,3 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát sinh cước đạt 5,2 triệu thuê bao, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 5 triệu thuê bao, tăng 27% so với năm 2017.

Ông Liêm cho biết, năm 2018, quy mô mạng lưới, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin của Tập đoàn tiếp tục được mở rộng và duy trì an toàn. Công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng mạng lưới của VNPT được thực hiện có trọng điểm, tổ chức thực hiện các chương trình riêng với từng địa bàn. Kết quả đo kiểm so sánh chất lượng 3 nhà mạng di động cho thấy mạng VinaPhone đứng thứ nhất với 4/9 chỉ tiêu KPI quan trọng tại phần lớn các tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, VNPT cũng đã mở rộng mạng lưới Internet đến Hồng Kông thông qua mở POP IP, giúp tối ưu, mở rộng thuê kênh quốc tế trực tiếp đến các vùng lãnh thổ để giảm độ trễ nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thành đàm phán IoT với 159 nhà mạng tại 89 quốc gia trên tổng 454 mạng di động đã khai thác dịch vụ chuyển vùng quốc tế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác trong năm của tập đoàn này là tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, VNPT đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực.

VNPT cũng thực hiện nghiêm túc theo đúng quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khi đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. Trong năm, VNPT đã bán/thoái vốn/thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, tăng 42% so với giá trị công ty.

Ngoài ra, năm 2018, một dấu ấn không thể không kể là VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin, thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.

Giải pháp cho năm 2019

Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, để tạo ra thành quả trên, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong 5 năm liên tiếp, bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ việc tái cấu trúc Tập đoàn, áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, còn là cơ chế tạo động lực để các đơn vị sử dụng hiệu quả chi phí. Hiện VNPT không có khái niệm tiết kiệm chi phí mà đã được đổi thành hiệu quả chi phí. Hiệu quả này phải đi vào đời sống người lao động, tăng thu nhập và tạo động lực cho người lao động phấn đấu.

Tuy nhiên, không dễ gì để một tập đoàn viễn thông duy trì mức lợi nhuận trên 20% trong 5 năm liên tiếp, nhất là trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa, sản lượng dịch vụ truyền thống (thoại, SMS), hay dịch vụ viễn thông quốc tế bị suy giảm trước tác động của các dịch vụ công nghệ mới OTT.

Hoặc các chính sách về viễn thông như thắt chặt khuyến mại với thuê bao trả trước, dừng thanh toán thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số... cũng tác động không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp, trong đó có VNPT.

Những khó khăn trên chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi quy mô doanh thu và lợi nhuận ngày càng "to" ra, thì việc duy trì mức độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20% hoặc mức bình quân 24,7% không phải là điều dễ dàng, và có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VNPT trong năm 2019.

Thực tế, trong mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019, Tập đoàn VNPT cũng chỉ dám đặt ở con số tăng 10-15% so với thực hiện năm 2018, còn doanh thu tăng 7-9%.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, Tập đoàn đưa ra dải dọc từ "10-15%", "7-9%" gồm hai phương án. Cụ thể, phương án cơ bản là đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước; và phương án thứ hai là phấn đấu sử dụng phương án điều hành để tạo ra kết quả tốt và sự phấn đấu của toàn tập đoàn trong năm 2019.

Theo ông Long, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020 và đẩy mạnh Chiến lược VNPT 4.0.

Ngoài ra, VNPT tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số (VNPT đã chuyển hướng chiến lược với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin).

"Công nghệ đang phát triển mạnh mẽ. Cơ hội chưa bao giờ lớn như lúc này. Nó đủ lớn cho tất cả các doanh nghiệp cùng làm. Trong tương lai, đến năm 2025, VNPT đặt mục tiêu mảng chuyển đổi số (dịch vụ công nghệ thông tin) sẽ chiếm tỷ trọng 35% trong cơ cấu doanh thu của toàn Tập đoàn", ông Phạm Đức Long cho biết.

Ngoài ra, VNPT cũng dành khoản đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng cho năm 2019, trong đó đầu tư cho mạng di động là 5.900 tỷ đồng, băng rộng cố định là 3.900 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ thông tin là 1.200 tỷ đồng, đầu tư kiến trúc nhà trạm và đầu tư khác là 1.200 tỷ đồng. Với kế hoạch trên, VNPT sẽ đầu tư mạng thông tin di động 4G, đẩy mạnh đầu tư, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ data, dịch vụ IPTV...