Độ mở lớn, chuyên gia lo về sức bật kinh tế Việt năm 2019
Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu
Nợ quốc gia, thu chi ngân sách và độ mở của nền kinh tế là những vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất tại toạ đàm: "Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông" do Báo Nông thông ngày nay tổ chức ngày 20/12.
Nợ quốc gia, độ mở nền kinh tế lớn
Tại buổi toạ đàm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương), cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu, song chủ yếu là gia công, không có nhiều sản phẩm thể hiện sự chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Đối với các nước công nghệ phát triển, trừ Hàn Quốc có chuyển giao công nghệ chút ít còn các nước phát triển khác hầu như không có chuyển giao công nghệ. Tính bền vững của nền kinh tế thấp, nếu có biến cố xảy ra, FDI rút đi, vậy chúng ta tăng trưởng dựa vào gì, ông Tuyển nói.
Ông Trương Đình Tuyển
TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, cho biết, năm 2018, Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn, nhưng chưa đủ. Nếu không tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn, thì sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
"Gần đây, có đánh giá từ một tổ chức quốc tế phản ánh chất lượng kinh tế Việt Nam xếp thứ 42/149 quốc gia, tốc độ tăng trưởng cũng khá. Nhưng tôi thấy không đúng. Chúng ta xếp hàng đầu về độ mở kinh tế trong những nước có 50 triệu dân trở lên, trong đó FDI chiếm tới 25% GDP%, 75% xuất khẩu thì chúng ta làm được bao nhiêu", TS. Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi.
Về nợ, ông cho biết chúng ta đang sống trên khoản nợ, không chỉ có nợ công, mà cả nợ của doanh nghiệp, người dân.
"Sống trên khoản nợ lớn thì làm ăn ra sao? Tiếp sau đây, nếu chịu thêm tác động của chiến tranh thương mại thì chúng ta ứng phó thế nào? Đông lực tăng trưởng ở đâu? Tôi lo rằng sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước thì e là khó thoát khỏi vùng trũng tăng trưởng, khó đạt được mức 7%", vị chuyên gia nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nhận định năm 2018, điểm nhấn quan trọng nhất là Chính phủ đã lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh thay vì cố gắng tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể. Trong những năm tới, nếu Chính phủ nhất quán, kiên định về chủ chương thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ tương đối cao, trên 7%. Dù không đạt được mức 8-9% như trước đây nhưng cái giá phải trả cho tăng trưởng là thấp nhất.
Về nợ, TS Ánh cho rằng Việt Nam đã siết khá chặt, không để phát sinh nợ mới. Phần trả nợ lãi chúng ta đưa vào chi ngân sách hàng năm. Riêng phần ngân sách nhà nước, ông Ánh cho biết có ý kiến thâm hụt ngân sách ở mức thấp nhưng thực tế, muốn biết thấp hay cao phải đợi 1,5 năm nữa, tức đến năm 2020 mới rõ con số thâm hụt năm 2018 là bao nhiêu.
Năm 2017, Việt Nam bắt đầu bỏ phần trả nợ gốc ra khỏi ngân sách. Nếu bỏ 1-2% GDP để trả nợ gốc, thì khối lượng trả nợ gồm nợ gốc và nợ lãi tăng khoảng 2-3% so với trước đó. Nghĩa vụ trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi của Việt Nam đã tăng vọt. Phần nợ sẽ chiếm hết phần ngân sách vốn dùng để chi đầu tư nhưng nếu không trả nợ được, sẽ liên quan tới vấn đề nặng nề hơn rất nhiều.
"Trong năm 2019 tới, chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề về phí phát thải. Câu chuyện là đi tìm nguồn thu. Dù thu năm nay chắc chắn vượt dự toán, nhưng nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý", TS. Vũ Đình Ánh nói.
Động lực phát triển năm 2019
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fubright Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có 3 đông lực để phát triển kinh tế là cải thiện vốn đầu tư; cải thiện năng suất lao động, chuyển biến từ năng lao động truyền thống sang công nghiệp tiêu dùng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tôi tin tưởng rằng nếu Chính phủ tiếp tục cam kết cải thiện thúc cải thiện kinh tế như năm 2018 vừa qua thì 3 động lực trên sẽ tạo những hiệu quả kinh tế mới trong năm 2019. Tuy nhiên, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm qua cũng còn tồn đọng: Thứ nhất, tiền lương cao hơn năng suất lao động, đây có thể là việc làm giảm lợi thế nền kinh tế của nước ta. Thứ hai, nhiều ngân hàng vẫn còn đối diện với rủi ro như nợ xấu cao, biên lợi nhuận thấp, vốn mỏng, thách thức nguồn cung vốn. Thứ ba, dấu hiệu nợ nước ngoài của quốc gia", ông Tuấn nói
Ông Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho biết, từ năm 2008 khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI, tốc độ giảm nhiều hơn. Những con số này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu. Tuy nhiên, đây lại được xem là tín hiệu tích cực bởi thực tế tại 25 nước phát triển đều nằm trong xu hướng này.
"Chúng ta nên nghiên cứu phát triển kinh tế hướng này bởi thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Nông nghiệp và du lịch cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019. Tôi dự báo, GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn", ông Nghĩa nêu quan điểm.