18:21 08/01/2019

Đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp qua gần 500 tỷ USD giao thương

Hà Vũ

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì thứ hạng của chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam không thay đổi so với báo cáo 2018, tụt 6 bậc so với báo cáo 2017

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị

Kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, có đến gần 500 tỷ USD qua lại biên giới, gấp đôi quy mô GDP của Việt Nam, nhưng mức độ hài lòng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì mới thường thường bậc trung.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị công bố báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 được VCCI tổ chức sáng 8/1.

Vẫn thường thường bậc trung

Độ mở của nền kinh tế như trên, theo Chủ tịch VCCI, cho thấy chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới rất quan trọng trong đánh giá năng  lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ngay từ 2014 khi Chính phủ phát động chương trình cải cách căn cứ vào các chuẩn mực quốc tế thì Chính phủ đã chỉ đạo cải cach tại Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế như là mũi tiên phong. Chọn mặt gửi vàng, đây cũng là lĩnh vực có tiến bộ rất tích cực, ông Lộc nhìn nhận.

So với cuộc khảo sát gần nhất vào 2015 thì mức độ hài lòng của doanh nghiệp, sự tín nhiệm của người dân tăng gấp đôi nhưng ông Lộc nhấn mạnh rằng theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới thì thứ hạng của chỉ số thương mại qua biên giới TAB (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá) của Việt Nam không thay đổi so với báo cáo 2018, tụt 6 bậc so với báo cáo 2017 (từ bậc 94 xuống bậc 100), xếp thứ 5 trong các nước ASEAN, sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Xếp hạng chỉ số này vẫn là thứ 5, trong mục tiêu đặt ra là vào TOP 4 ASEAN. Tất nhiên chỉ số này không chỉ là trách nhiệm của Tổng cục Hải quan mà khó nhất là ở kiểm tra chuyên ngành, ông Lộc nói rõ hơn.

Kết quả khảo sát cho thấy sự hài lòng của doanh nghiệp chỉ ở điểm 5-6 trên thang điểm 10, phù hợp với mức độ khi so sánh với chuẩn mực quốc tế cho thấy chất lượng cải cách vẫn ở mức độ trung bình. Nhìn chung về chất lượng thể chế của Việt Nam cũng trung bình mà cứ mãi trung bình thì khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, đó là thách thức rất lớn, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Với yêu cầu lấy sự hài lòng của dân và doanh nghiệp làm điểm tựa từ Chính phủ, ông Lộc cho rằng cải cách thể chế cần mạnh mẽ hơn và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới phải dẫn đầu với sức ép vươn đến chuẩn mực của OECD. Ngành hải quan có dư địa để vươn tới chuẩn mực này, ông Lộc quả quyết.

Phát biểu ngay sau đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường cho biết mục tiêu trước mắt của ngành là vươn lên TOP 4 ASEAN còn OECD là mục tiêu xa hơn.

Không gian cải cách còn nhiều 

Trình bày những phát hiện chính qua khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu có nhiều cải thiện.

Về tiếp cận thông tin, mức độ hài lòng của doanh nghiệp là cao nhất với việc tiếp cận thông tin qua Cổng thông tin điện tử của tổng cục hải quan, với 76% số doanh nghiệp rất hài lòng hoặc tương đối hài lòng.

Đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng thông tin thủ tục hành chính hải quan mà họ đã tiếp cận là khá tích cực và có cải thiện đáng kể so với khảo sát 2015. Năm 2018, có 91% phiếu trả lời đồng ý/hoàn toàn đồng ý rằng thông tin về thủ tục hải quan là thống nhất (77% vào năm 2015). Có 90% cho biết thông tin thủ tục hải quan là sẵn có và dễ tìm (năm 2015 là 81%).

Dù vậy, các tác giả báo cáo cho rằng không gian cải cách vẫn còn nhiều, ví dụ như điều tra 2018 cho thấy dù có 76% doanh nghiệp nhận thấy các thông tin về thủ tục hành chính hải quan là đơn giản, dễ hiểu (năm 2015 là 60%), thì vẫn còn 24% không đồng ý với nhận định này, nghĩa là trung bình cứ 5 doanh nghiệp thì vẫn có 1 doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tìm hiểu các thông tin về thủ tục hành chính hải quan.

Trong khâu chuẩn bị hồ sơ và khai báo của thủ tục thông quan, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp là việc các quy định hay thay đổi. tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn này là tương đối cao (51%), báo cáo cho biết.

Đáng chú ý, có 52% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định.

Đây là vấn đề rất quan trọng, chỉ có doanh nghiệp nào tương đối dũng cảm mới trả lời, ông Tuấn nói thêm.

Về những lĩnh vực cần tập trung cải cách, ông Tuấn phản ánh, các doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (70%), kế đến là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (53%) và tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp – hải quan (48%).

Các doanh nghiệp cũng mong muốn quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cần tăng cường công khai minh bạch (45%), nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan (35%). Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng cần tiếp tục cơ sở vật chất nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (30%)....

Phần thảo luận, đại diện một số hiệp hội, cục hải quan địa phương bày tỏ đồng tình cao với kết quả khảo sát do VCCI thực hiện.