19:30 14/09/2019

Đô thị hoá tại Việt Nam đang đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả?

Quang Minh

Mô hình đô thị hoá phần nhiều hướng tới sự "công bằng" khiến các khu vực tăng trưởng cao hơn nhận nguồn đầu tư ít hơn, thiếu đầu tư để duy trì tăng trưởng

Hội thảo thúc đẩy đô thị hoá để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hoá trong thập kỷ tới do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.
Hội thảo thúc đẩy đô thị hoá để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hoá trong thập kỷ tới do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.

Quá trình đô thị hoá tại Việt Nam có xu hướng suy giảm trong 5 năm trở lại đây. Với mô hình phân tán các nguồn lực và yếu tố sản xuất quan trọng trên phạm vi cả nước, cấp đô thị có hiệu quả cao hơn tại Việt Nam đang không có đủ nguồn lực để duy trì tăng trưởng. 

Đây là kết quả phát hiện tạm thời được phác thảo trong Nghiên cứu về Đô thị hoá Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), được mang ra tham luận tại hội thảo "Thúc đẩy đô thị hoá để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hoá trong thập kỷ tới" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.

Theo nhóm tác giả, những hệ quả của mô hình đô thị hoá trên, cùng với các thách thức mới nổi của việc thắt chặt nguồn lực tài khoá và thu hẹp lực lượng lao động đô thị, đã đưa quá trình đô thị hoá của Việt Nam đến một bước ngoặt. Cụ thể, chính sách tài khoá cào bằng đã chuyển hướng nguồn lực từ khu vực tăng trưởng cao hơn sang khu vực kém phát triển. Mô hình đô thị hoá "giải ngân theo không gian" này phần nhiều hướng tới sự "công bằng". 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, hiện tại các địa phương có thu ngân sách cao đang được điều chuyển ngân sách về trung ương.

"Do đó, các địa phương không có động lực để thu ngân sách. Điều này lý giải tại sao tốc độ tăng trưởng của Tp.HCM và Hà Nội, hai trụ cột của cả nước, không cao hơn mức trung bình của cả nước", ông Tự Anh cho biết.

Ông Tự Anh dẫn kết quả một báo cáo năm 2016 của A.T. Kearney về vai trò của các đô thị, trong đó bức tranh của Việt Nam rất khác so với toàn cầu. Trong báo cáo của A.T. Kearney, 123 đô thị lớn nhất thế giới chiếm 13% dân số và chiếm 32% GDP. Trong khi đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam chiếm khoảng 21% dân số nhưng chỉ chiếm 34% GDP của nước. 

"Nếu trên thế giới, các đô thị lớn nhất thực sự là động lực tăng trưởng, tại Việt Nam, 5 thành phố trụ cột trung ương chưa thực sự là động lực tăng trưởng. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của 5 thành phố này gần như không thay đổi đáng kể trong vòng 15 năm trở lại đây: năm 2005, đóng góp khoảng 36 - 37%, thì hiện nay là khoảng 40%", ông Tự Anh tiếp tục. "Các thành phố trực thuộc trung ương đang vấp phải một ngưỡng không thể vượt lên được nữa. Nếu vượt qua được ngưỡng này, tỷ lệ đóng góp của 5 thành phố này thậm chí còn giảm chứ không tăng. Nếu không có sự thay đổi cơ bản về đô thị hoá và phân phối nguồn lực, thì tình trạng này sẽ còn xấu đi".

Chuyên gia kinh tế này cho biết hiện tại, đa số dân số tăng thêm tại Việt Nam tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Hà Nội và Đà Nẵng, tuy nhiên, nguồn lực không chảy về ba khu vực này.

"Đây là một mâu thuẫn, thể hiện sự đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả. Xu thế dân số tại các khu vực này tăng nhưng chi tiêu ngân sách thường xuyên, đầu tư trung bình lại giảm. Cách làm này không thể mang lại sự bền vững được. Nếu không thay đổi cách làm hiện nay, các đô thị sẽ trở thành gánh nặng chứ phải là nguồn lực tăng trưởng", ông Tự Anh nhận định.

"Trong một thời gian dài, khi phải đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả, chúng ta đã chọn công bằng. Vì đô thị hoá và công nghiệp hoá đã gần đạt ngưỡng, nếu ta tiếp tục chính sách như thế này, thì sẽ không đạt được cả hiệu quả lẫn công bằng", ông Tự Anh cho biết.

Điều này cũng được nhấn mạnh trong kết quả nghiên cứu tạm thời của nhóm nghiên cứu WB, trong đó nói rằng Việt Nam không thể tiếp tục con đường đô thị hoá trước đây. Thay vào đó, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hoá quốc gia và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào "nền kinh tế tích tụ" và "liên kết vùng".