07:00 11/02/2023

Doanh nghiệp bất động sản lo khoản vay bị chuyển thành nợ xấu

Ban Mai

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản phải phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án… do “tắc nghẽn” dòng tiền. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị “nhảy nhóm” sang nhóm nợ xấu và xấu hơn…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) dự báo năm 2023 là năm quyết định “sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết, nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200 doanh nghiệp tăng 38,7% so với năm 2021. Có thể nói, năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất đối với tất cả doanh nghiệp bất động sản, mà kinh doanh bất động sản là một trong 21 ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Do đó, thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực khác và cả vấn đề đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người yếu thế.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không lo được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão vừa qua; nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.

Bên cạnh khó khăn lớn nhất là vướng mắc pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn trực tiếp nữa là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc “nhảy nhóm” nợ xấu hơn.

Đó là các trường hợp doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn mà nếu không được gia hạn thì bị xếp vào nhóm nợ xấu.

Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị “nhảy nhóm” sang nhóm nợ xấu hơn.

Doanh nghiệp có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép “nới” điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng.

Ngoài ra, người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.

HoREA cho rằng có một số quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đang yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. Nhưng nhiều ngân hàng thương mại còn yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có “Giấy phép xây dựng” làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm…