Doanh nghiệp châu Âu lo sợ tham vọng bành trướng công nghệ của Trung Quốc
Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng Trung Quốc đang ngày càng trở thành nơi khó kinh doanh bởi các vấn đề như rào cản chính sách, hạn chế tiếp cận thị trường
Trong một báo cáo ngày 20/6, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết các công ty thành viên đang tỏ ra "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch "Made in China 2025" của Bắc Kinh, theo CNN.
Các công ty châu Âu đang kinh doanh tại Trung Quốc lo ngại rằng các chính sách thúc đẩy công nghệ cao của Trung Quốc sẽ "khiến sân chơi nghiêng về hướng có lợi cho doanh nghiệp bản địa", báo cáo trên chỉ ra.
Với "Made in China 2025", Trung Quốc muốn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp như robot, ôtô điện với tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực này.
"Made in China 2025" là một trong những nguyên cớ chính được chính phủ Mỹ đưa ra trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng kế hoạch này cũng như những chính sách tương tự của Bắc Kinh "làm tổn hại tới các doanh nghiệp tại Mỹ và trên khắp thế giới".
Trong khi đó, quan chức Trung Quốc liên tục bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về hoạt động và chính sách thương mại của mình. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/6 nói rằng chính phủ Mỹ "đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc nhằm biện minh cho hành vi bảo hộ của mình".
Trong báo cáo thường niên, khảo sát 532 doanh nghiệp vào tháng 2 và tháng 3, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết 43% công ty được hỏi nói rằng đang nhận thấy "sự phân biệt đối xử ngày càng lớn" do kế hoạch "Made in China 2025" - được cho là đang chống lưng cho các doanh nghiệp nội.
Tuy nhiên, một số công ty lớn của châu Âu cho biết họ đang hưởng lợi từ chiến lược này bởi nhờ nó họ có thể tiếp cận tốt hơn với các lĩnh vực được chính phủ bảo trợ, đặc biệt là công nghiệp ôtô và máy móc, báo cáo trên chỉ ra. Một số doanh nghiệp máy móc cho biết kế hoạch này giúp tăng nhu cầu đối với các phụ tùng và công cụ do họ sản xuất.
Trong báo cáo, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cũng đưa ra quan ngại tương tự cùng với chính phủ Mỹ về việc các doanh nghiệp nước ngoài đang bị buộc phải giao nộp quyền sở hữu trí tuệ để được kinh doanh tại đây. Báo cáo cho thấy 19% doanh nghiệp tham gia khảo sát "cảm thấy bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường".
Lần đầu tiên, đa số các công ty tham gia khảo sát (61%) trả lời rằng họ "nhận thấy các công ty Trung Quốc đang có sự cải tiến tương đương hoặc hơn so với các doanh nghiệp châu Âu".
Nhìn chung, doanh nghiệp châu Âu cho rằng Trung Quốc đang ngày càng trở thành nơi khó kinh doanh hơn so với năm trước bởi các vấn đề như rào cản chính sách, hạn chế tiếp cận thị trường, báo cáo chỉ ra.
"Chúng ta vẫn còn cách rất xa môi trường kinh doanh mà ở đó có sự cạnh tranh công bằng", Mats Harborn, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trong một thông cáo đi kèm báo cáo trên.