13:43 09/05/2019

Doanh nghiệp công nghệ Việt đã giải bài toán của Việt Nam như thế nào?

Thủy Diệu

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ về cách thức giải quyết bài toán của Việt Nam tại chính doanh nghiệp mình

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA.

Trong phiên đầu tiên của Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội (sáng 9/5), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ về cách thức giải quyết bài toán của Việt Nam tại chính doanh nghiệp mình.

Không chỉ làm cho Việt Nam mà còn xuất khẩu ra 10 quốc gia

Trong bài tham luận của mình, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA cho biết, cách đây 25 năm, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có công tác kế toán bằng phần mềm, nhưng từ khi MISA thành lập đến nay, công ty đã triển khai thành công ứng dụng kế toán cho 75% đơn vị hành chính sự nghiệp, 47% doanh nghiệp vừa và ra mắt sổ thu chi miễn phí cho hàng triệu khách hàng cá nhân.

"Xây dựng một ứng dựng thuần Việt và triển khai tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng nhưng MISA đã làm được. Bản thân MISA không chỉ làm ra sản phẩm sử dụng tốt tại Việt Nam mà còn có thể bán được ra nước ngoài, ví dụ như sản phẩm CUKCUK đã có mặt tại 10 quốc gia như Đức, Myanmar, Mỹ, Nhật", lãnh đạo MISA chia sẻ.

Ông Lữ Thành Long cho biết, để giải quyết bài toán nhân lực kế toán cho doanh nghiệp, MISA sẽ ứng dụng công nghệ AI và Machine Learning giúp tự động nhập liệu và hạch toán kế toán, làm tăng năng suất gấp 10 lần, sử dụng công nghệ điện toán đám mây để giải quyết bài toán cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, tạo một hệ thống mở để kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, thuế…

Ông cũng cho rằng, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù cho Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được. Và doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning,...

Kết nối là yếu tố quan trọng

Theo Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC Trần Trung Chính, hiện tại, Internet và IOT đang tác động đến mọi khía cạnh của đởi sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thách thức về năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Tốc độ nhanh, nhanh hơn và nhanh nhất có thể.

Theo ông Chính, tất cả các tổ chức, các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nền tảng mở này để kết nối với nền kinh tế số. Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Giám đốc miền Bắc, Công ty Haravan, ông Phạm Hải Văn, cho rằng, mỗi doanh nghiệp khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực, và câu hỏi đặt ra tại sao các doanh nghiệp phải ứng dụng chuyển đổi số. Theo ông, Việt Nam đang có nhu cầu cao về công nghệ, do vậy các doanh nghiệp phải mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực công nghệ.

Ông Văn dẫn chứng, mảng online đang đem lại doanh thu 10% cho những đơn vị hợp tác với Haravan như Vinamilk, hay tiết kiệm 50% chi phí cho Biti's. Nhãn hàng giày tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, đây cũng là nhóm khách hàng sử dụng nhiều ứng dụng điện tử, điện thoại thông minh. "Hệ thống online giải quyết được bài toán làm việc của hơn 100 cửa hàng một cách nhanh chóng, thay vì phải tốn nhiều chi phí, nhân lực", ông Phạm Hải Văn cho biết.