Doanh nghiệp giảm nhưng doanh thu bán hàng đa cấp vẫn đạt nhiều ngàn tỷ
Mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương
Mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi đến Quốc hội, phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp này.
Theo chương trình thì từ 15h ngày 6/11, Bộ trưởng Tuấn Anh sẽ đăng đàn trả lời nhóm vấn đề thứ hai, trong đó có quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tại báo cáo nói trên, Bộ trưởng cho biết thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này đã được thực hiện hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm đã bị kiểm tra, xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nhiều cá nhân đã bị truy tố hình sự về tội danh lừa đảo thông qua việc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp. Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị giám sát chặt chẽ tại từng địa phương.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã xử phạt số tiền hơn 10,5 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 23 doanh nghiệp.
Kết quả tiếp theo được nêu tại báo cáo là số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu giảm rõ rệt so với các năm gần đây. Nếu như năm 2016 là hơn 1.000 đơn thư thì năm 2017 giảm còn hơn 700, năm 2018 hơn 300 và 10 tháng năm 2019 chỉ có chưa đến 100 đơn thư. Các đơn thư chủ yếu phản ánh việc đầu tư vào các doanh nghiệp đa cấp để hưởng lợi gấp nhiều lần theo hứa hẹn của doanh nghiệp nhưng không được như mong muốn.
Về số lượng doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, năm 2016 có 67 doanh nghiệp, đến tháng 9/ 2019 chỉ còn 23 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp. 44 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả.
Chuyển biến của lĩnh vực này, theo Bộ trưởng còn thể hiện ở số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, năm 2016 có đến 1,3 triệu người tham gia thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 800.000 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Trong đó có chưa đến 300.000 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2016 - 2017 doanh toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ/năm, năm 2018 đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của 23 doanh nghiệp đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 25 % so với cùng kỳ năm 2018).
Báo cáo cũng nêu những khó khăn trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Đó là một số địa phương vẫn phản ánh việc pháp luật hiện hành không yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở kinh doanh tại địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát ở địa phương.
Hiện tượng kinh doanh đa cấp trái phép như kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử có xu hướng phát triển nhưng rất khó xử lý.
Các địa phương cho rằng hoạt động bán hàng đa cấp chủ yếu là hoạt động truyền miệng, nếu không có cơ sở của doanh nghiệp thì rất khó thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động. Tuy nhiên, việc yêu cầu doanh nghiệp hoạt động ở địa phương nào cũng phải lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở địa phương đó sẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp, làm gia tăng nhiều lần chi phí tuân thủ pháp luật, đi ngược với chủ trương xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng trình bày.