09:56 16/09/2019

Doanh nghiệp kiến nghị tăng giờ làm thêm, cơ quan thẩm tra không đồng tình

Nhật Dương

Cho rằng giờ làm thêm hiện nay chưa phù hợp, doanh nghiệp đề nghị tăng thêm, song cơ quan thẩm tra không đồng tình để đảm bảo sức khỏe người lao động

Dệt may là một trong những ngành dự kiến được mở rộng thời giờ làm thêm khi sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. Ảnh minh họa.
Dệt may là một trong những ngành dự kiến được mở rộng thời giờ làm thêm khi sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. Ảnh minh họa.

Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định số giờ làm thêm tối đa trong một năm là 200 giờ, với những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định nhưng không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đang đề xuất tăng thêm 100 giờ lên mức 400 giờ.

Trên thực tế, tăng giờ làm thêm là vấn đề luôn được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều năm liền, nhất là vào mỗi lần bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động. Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10 năm nay, bộ luật này sẽ được Quốc hội thông qua, do đó trước thềm phiên họp diễn ra, vấn đề lại một lần nữa được hâm nóng.

Doanh nghiệp: Nếu không tăng đề nghị được giữ nguyên

Khẳng định đã nhiều lần kiến nghị được tăng giờ làm thêm từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, thời giờ làm thêm như hiện nay là chưa phù hợp đối với các ngành sản xuất trực tiếp.

Như trường hợp của thủy sản, do đặc thù là ngành dịch vụ cho ngư dân, có những thời điểm hàng trăm tấn cá của ngư dân ập đến, theo ông Nam doanh nghiệp không thể không nhận sản xuất, mà nhận thì vi phạm quy định về giờ làm việc và bị khách hàng đánh lỗi là làm không đúng quy định của luật lao động. 

Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị được "nới" thời gian làm thêm giờ hoặc nếu không tăng được thì đề nghị được giữ nguyên như quy định hiện hành.

Theo bà Huyền, luật hiện nay đang quy định giờ làm thêm trong điều kiện lao động bình thường là 200 giờ, với những trường hợp cần làm thêm cấp bách thì doanh nghiệp phải làm thủ tục báo cáo xin tăng từ 200 giờ lên 300 giờ, quy định này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, với lần sửa đổi này, bà Huyền kiến nghị cho phép tất cả các doanh nghiệp bình thường đều được làm thêm 300 giờ, nhưng không phải làm thủ tục hành chính, thay vào đó nên để người lao động và chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau.

Riêng đối với những lĩnh vực ưu tiên như nghiên cứu sản phẩm có đặc thù đòi hỏi sự miệt mài nhưng quy định cũ đang gây càn trở, đại diện hiệp hội này cũng đề nghị được mở rộng hơn. "Thực tế, hiệp hội chúng tôi có những tập đoàn phải nghiên cứu để phát triển sản phẩm nhưng do giới hạn làm thêm giờ nên không thể triển khai được. Bởi vì, bộ phận này có khi còn phải ăn ngủ luôn ở doanh nghiệp, nếu quy định cứ phải 200 giờ/năm và đến giờ là đi về thì chắc chắn không thể hoàn thành được", bà Huyền bày tỏ lo ngại.

Về những ngành nghề được làm thêm giờ, bà Huyền cho rằng hiện dự thảo mới giới hạn ở các lĩnh vực thủy sản, dệt may, da giày…nên kiến nghị lần sửa đổi này nới thêm cho các lĩnh vực gia công xuất khẩu, đặc biệt là điện, điện tử vì cho rằng đây là ngành hàng đang thu hút đầu tư và có sức cạnh tranh lớn. Đồng thời, cần đảm bảo tính bình đẳng và công bằng trong các ngành nghề.

Trả lương lũy tiến khi làm thêm có mâu thuẫn?

Ở một góc nhìn khác, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh thêm một yếu tố rất quan trọng khi cân nhắc tăng giờ làm thêm, song chưa được đề cập nhiều là các yếu tố về thời vụ. Theo bà Minh, thực tế là hiện nay các doanh nghiệp gia công và có kim ngạch xuất khẩu lớn đều có yếu tố thời vụ.

"Tại sao chúng tôi nhấn mạnh yếu tố thời vụ ở đây, bởi vì có những doanh nghiệp chỉ huy động làm thêm giờ vào thời điểm cuối năm. Còn như da giày, thủy sản, dệt may lại có những thời vụ khác nhau. Điều này có nghĩa là không phải doanh nghiệp bắt người lao động làm thêm giờ trong cả năm, nhưng với việc khống chế giờ làm thêm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp gia công xuất khẩu và có tính thời vụ", bà Minh phân trần.

Cùng với đó, đại diện phía giới chủ cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất nếu làm thêm 400 giờ thì doanh nghiệp phải tính lương lũy tiến cho người lao động.

"Nếu chúng ta mở rộng giờ làm thêm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp để không vi phạm quy định của các nhãn hàng khi gia công xuất khẩu, nhưng lại áp dụng mức lương lũy tiến thì vô hình chung cũng gây mâu thuẫn trong việc làm luật", bà Minh nhấn mạnh và khẳng định là có số liệu cho thấy hầu như các nước cũng không áp dụng quy định này.

"Theo quy định hiện hành, rõ ràng là chúng ta đã áp dụng lương lũy tiến rồi, làm thêm giờ trong ngày làm việc bình thường được nhân 150% lương, ngày cuối tuần 200%. Như vậy, đã lũy tiến rồi mà bây giờ lại yêu cầu doanh nghiệp thêm một khâu lũy tiến nữa có lẽ doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí lên gấp bội lần", đại diện phía giới chủ bày tỏ lo ngại.

Lo lắng của các doanh nghiệp là có lý, song đứng ở góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không ủng hộ việc kéo dài thời gian làm thêm.

Lý do là xu hướng của các nước hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm chứ không phải làm việc với mức thu nhập cao nhưng sức khỏe người lao động lại không được đảm bảo.

Đại diện cơ quan thẩm tra luật cho biết, đến nay Chính phủ vẫn còn lăn tăn vấn đề này. "Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra chúng tôi là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.