10:36 04/07/2018

Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam quan ngại về sự thay đổi chính sách

Nguyên Vũ

Amcham đặc biệt lo ngại về yêu cầu phải có văn phòng đại diện, các quy định liên quan đến dữ liệu người dùng và việc lưu trữ dữ liệu tại nước sở tại ở Luật An ninh mạng

VBF giữa kỳ ghi nhận không ít quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài.
VBF giữa kỳ ghi nhận không ít quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên cũng quan ngại về những sự thay đổi chính sách trong thời gian gần đây.

Đó là thông tin từ phát biểu của ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng 4/7 tại Hà Nội.

Chủ tịch Amcham nói, theo quan sát của các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này, dù là hệ lụy của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, việc thu thuế hay việc chính phủ cố gắng ưu tiên nhóm đối tượng này và phân biệt đối xử với nhóm đối tượng khác, còn khá nhiều lĩnh vực vẫn tồn tại sự bất bình đẳng, thiếu hiệu quả và thiếu nhất quán, thậm chí trong một số trường hợp còn nảy sinh thêm những bất công mới.

"Chúng tôi tin tưởng rằng vấn đề sống còn chính là việc luật pháp phải được thiết kế để đảm bảo thực thi công bằng và bình đẳng. Cải thiện môi trường luật pháp sẽ giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng khi xem xét các biện pháp nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao cũng như thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân", ông Michael Kelly phát biểu.

Amcham cho rằng, để duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương, thương mại phải tự do và công bằng.

Hiệp hội này phản ánh, sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vẫn rất đắt đỏ về giá và phức tạp về thủ tục, trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng tăng, và do vậy điều quan trọng là Việt Nam cần phải xem xét giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại/các rào cản phi thuế mà các doanh nghiệp hầu hết phải đối mặt hàng ngày tại cửa khẩu, chính những rào cản này làm hạn chế hoạt động của các công ty và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan ngại về những sự thay đổi chính sách trong thời gian gần đây không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải chịu thêm rất nhiều rủi ro và cản trở trong quá trình triển khai đầu tư tại Việt Nam, ông Michael Kelly nhấn mạnh.

Một ví dụ được vị này cho là đặc biệt, đó là Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt  Nam thông qua.

Đặc biệt, theo đánh giá của Amcham là bởi bên cạnh các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường mạng, luật này cũng bao gồm cả việc kiểm soát thông tin trên internet mà nội dung này đã được quy định tại một luật khác của Việt Nam.

Ông Michael Kelly khẳng định: AmCham ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ về việc tăng cường phát triển nền kinh tế số và môi trường internet trong khi đó vẫn đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người dùng internet Việt Nam. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra một khung pháp lý về an ninh mạng.

Tuy nhiên, các công ty thành viên của chúng tôi đặc biệt lo ngại về yêu cầu phải có văn phòng đại diện, các quy định liên quan đến dữ liệu người dùng và việc lưu trữ dữ liệu tại nước sở tại cũng như một loạt những cản trở gây tốn kém không cần thiết khác sẽ làm tổn thương doanh nghiệp mà không hề giúp cải thiện môi trường an ninh mạng tại Việt Nam", Chủ tịch Amcham nói tại diễn đàn.

Vị này cũng cho biết, các công ty thành viên của Amcham hoạt động trên toàn cầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các mối nguy cơ về an ninh mạng của các nước. Chính vì mạng lưới hoạt động trải rộng như vậy đã giúp các công ty của Amcham thấu hiểu để từ đó có cách tiếp cận về an ninh mạng một cách hiệu quả ở cấp độ quốc gia.

"Các công ty của chúng tôi muốn giúp Việt Nam phát triển một môi trường pháp lý thể chế cho nền kinh tế số trong đó bao gồm các nguyên lý về việc tự do truyền tải dữ liệu xuyên biên giới, các chính sách hỗ trợ phát triển, khuyến khích công nghệ mới/công nghệ còn non trẻ nhằm kiến tạo một sân chơi bình đẳng cho các thành viên tham gia thị trường", Chủ tịch Amcham bày tỏ.

Ngoài nội dung nói trên, các nhà đầu tư từ Mỹ còn nêu một số cản trở trong xuất khẩu ôtô từ Hoa Kỳ sang Việt Nam, việc kiểm tra sau thông quan, về chính sách thuế, dịch vụ tài chính...

Theo các nhà đầu tư Hoa Kỳ, môi trường kinh doanh có thể được cải thiện tốt nhất bằng các hành động giúp tăng năng suất, giảm chi phí và rủi ro kinh doanh tại Việt Nam.