Doanh nghiệp Thái nêu "thực tế đau lòng" của nông nghiệp Việt
Nếu như ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình thì ở Việt Nam 90% nằm trong số này
"Quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam nên các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", đại diện doanh nghiệp Thái Lan khẳng định.
Hàng trăm lô thủy sản bị trả về mỗi năm
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chuyên đề nông nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo VnExpress tổ chức ngày 5/6/2018, đại diện một doanh nghiệp đến từ Thái Lan đã chỉ ra thực tế đau lòng trong ngành nông nghiệp Việt.
Theo đó, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Central Group (Thái Lan) cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Cụ thể, trị giá xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam năm 2017 đạt 18,96 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2016 và là ngành duy nhất đem lại xuất siêu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp đến từ Thái Lan cũng cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong vấn đề chất lượng.
Đơn cử, ông Trần Thanh Hải dẫn số liệu 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, với lý do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và tồn dư kháng sinh.
"Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn còn tìm hoặc chưa tìm hiểu thấu đáo hay chưa cập nhật các quy định, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Điều này gây tổn thất đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp và hình ảnh Việt Nam", ông Hải nói.
Đại diện doanh nghiệp Thái Lan cũng đưa ra một ví dụ khác "đau lòng" không kém là trong sản xuất chăn nuôi. Nếu như ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình thì ở Việt Nam 90% nằm trong số này, kém Thái Lan 10 lần.
"Bên cạnh đó, ở Thái Lan hơn 70% hộ có sức nuôi từ 5.000 con gà ở trên. Trong khi đó, ở Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%. Điều đó cho thấy quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam nên các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", ông nói tiếp.
Từ đó, đại diện doanh nghiệp Thái Lan góp ý doanh nghiệp Việt cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến.
Ngoài ra, cũng cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu, tâm lý người tiêu dùng mục tiêu, đầu tư kỹ thuật tiên tiến, giá tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm và tăng thêm giá trị xuất khẩu.
Thực tế "nông dân nhỏ"
Đồng quan điểm với đại diện đến từ Thái Lan, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, nhiều thách thức đang đặt ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam như rào cản kỹ thuật trong hội nhập, thể chế, khoa học công nghệ, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tuy nhiên, ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh đến quy mô sản xuất và cho biết, nhiều chuyên gia, tổ chức thế giới gọi người nông dân Việt Nam là nông dân nhỏ.
"Việt Nam có đến 9,2 triệu nông dân nhỏ lẻ và số lượng hộ nông dân có liên kết doanh nghiệp rất hạn chế. Chẳng hạn như trong lĩnh vực gạo và chè, chỉ có 10% hợp tác với doanh nghiệp, còn trong lĩnh vực chăn nuôi thì có 16%.
Việt Nam cũng chỉ có 33.500 trang trại với 7.000 hợp tác xã và 3.500 doanh nghiệp nhỏ. Từ đó dẫn đến khâu sản xuất cũng nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp, và sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh", ông Sơn nói.
Xuất phát từ những khó khăn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, các chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần có sự tập trung cao nhất về nguồn lực để hoạch định các chiến lược, chính sách kinh tế phát triển ngành nông nghiệp phù hợp.
Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp Việt cần phải tăng cường trao đổi, hợp tác, liên kết nhiều hơn nữa để mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm, kiểm soát tạp chất, dư lượng kháng sinh cần; mở rộng thị trường để thoát khỏi tình trạng giải cứu hay được mùa mất giá... cũng được đặt ra.
Ngoài ra, đối với nông dân Việt Nam cần tăng cường, nâng cao kiến thức về các tiêu chuẩn, quy định về hàng hóa để từ đó tăng giá trị cho các sản phẩm của mình.