20:32 12/12/2017

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn "lép vế"

Hà Vũ

Trong 11 tháng của năm 2017 vẫn có tới 65.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động

Thủ tướng lắng nghe nhiều ý kiến tại VBF 2017
Thủ tướng lắng nghe nhiều ý kiến tại VBF 2017

Gần 60% doanh nghiêp vẫn đang kinh doanh không có lãi nhưng trong 11 tháng của năm 2017 vẫn có tới 65.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017.

Sự kiện được tổ chức sáng 12/12 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Điều kiện kinh doanh còn nhiều cản trở 

Theo Chủ tịch VCCI thì mặc dù đã có những thay đổi tích cực, và sức nóng của công cuộc cải cách đang được lan tỏa, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và chặng đường cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn rất gian nan. Gần 60% doanh nghiêp vẫn đang kinh doanh không có lãi, trong 11 tháng năm 2017 vẫn có tới 65.000 dn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Đáng chú ý là nhiều loại chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn cao và đang có xu hướng gia tăng. Điều kiện kinh doanh còn nhiều cản trở. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn phức tạp, chưa được cắt giảm như mong muốn.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn "lép vế" so với các doanh nghiệp Nhà nước và các FDI về quy mô, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng cũng như mức lãi suất hợp lý, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Đề nghị với Chính phủ từ VCCI là các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cụ thể là cắt giảm mạnh hơn nữa, minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính. Các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tư nhân của Đảng cần được Chính phủ cụ thể hoá thông qua các chỉ tiêu định lượng, đồng thời có ràng buộc trách nhiệm đối với các cấp chính quyền và người đứng đầu trong khâu thực hiện.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị chính phủ nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trên các lĩnh vực như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành chuỗi giá trị…. tạo môi trường để các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp ngoại trở thành các đối tác công sinh cùng có lợi trong nền kinh tế Việt Nam. Góp phần tạo ra các động lực thúc đẩy phát triển  mạnh mẽ và thực hiện quốc tế hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những chủ nhân đầy năng động của nền kinh tế số.

Đó phải là một định hướng chính sách quan trọng bậc nhất của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam, ông Lộc nhấn mạnh.

Tiếp tục bãi bỏ điều kiện kinh doanh

Trước phát biểu của Chủ tịch VCCI, trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định tự do quy mô lớn, như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đã đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội, cùng những thách thức mới.

Theo Bộ trưởng, việc mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra môi trường và công cụ đắc lực giúp Việt Nam có cơ hội tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

"Trong bối cảnh mới, các cơ quan Chính phủ cũng đã thay đổi cách tiếp cận trong tham mưu, hoạch định và thực hiện chính sách, nâng cao vai trò của người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành trong lĩnh vực quản lý đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết.

"Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; xây dựng thương hiệu và "chữ tín" trong kinh doanh; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; bảo đảm về môi trường và phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.