06:00 12/10/2021

Doanh nhân luôn là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế

Vũ Khuê

Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết. Chúng ta cần “thắng không kiêu, bại không nản” và “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, dù khó khăn đến đâu thì cũng chỉ là những khó khăn trước mắt và tạm thời...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam.

Tuần trước, đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành trọn hơn ba tiếng đồng hồ để nghe các doanh nhân trải lòng.

12 kiến nghị được trình bày trước Chủ tịch Quốc hội là những tâm huyết của các doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động từ Covid-19.

CƠ CHẾ PHẢI MỞ KHI SỐNG CHUNG VỚI COVID-19

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chia sẻ khi chuyển sang trạng thái mới để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp tại TP.HCM rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nguyên vật liệu sản xuất, giá cả các yếu tố đầu vào tăng nhanh, dòng tiền bị đứt gãy và cạn kiệt… đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế của TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại TP.HCM thực hiện ba tại chỗ đều báo cáo thua lỗ. Số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong ba tháng qua là khoảng 70%, tương ứng năng lực sản xuất còn hoạt động của thành phố chỉ chiếm khoảng 30%. Khảo sát nhanh các doanh nghiệp đầu tháng 9 vừa qua, cho thấy có đến 40% số doanh nghiệp cho rằng vốn chỉ còn đủ hoạt động trong một tháng.

Do đó, ông Dũng kiến nghị Quốc hội cần xem xét xây dựng Luật Chính sách tài khóa, giải quyết và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, kéo giãn, hoãn nợ thuế kéo dài đến hai năm. Mặt khác, ông Dũng phản ánh, vẫn còn nhiều văn bản, luật chồng chéo nhau làm ảnh hưởng đến các nguồn lực của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Quốc hội nhanh chóng tháo gỡ, giải tỏa những điều khoản đang còn vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra định hướng sống chung một cách an toàn, thích ứng, hiệu quả với Covid-19, thì phải có cơ chế mở. Tuy nhiên các quy định chống dịch, chính sách chống dịch của các địa phương hiện vẫn chưa đồng bộ đã gây khó cho các doanh nghiệp.

Bà Thanh lấy ví dụ về việc 10 tỉnh mở đường bay hàng không nhưng Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng không mở, đồng nghĩa cả miền Bắc vẫn chưa nối liền với miền Nam. "Chính phủ nên có một cơ chế giám sát đồng bộ để doanh nghiệp có thể tái khởi động trong sự đứt gãy cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và giờ là đứt gãy nguồn lao động", bà Thanh kiến nghị.

Các điểm cầu trực tuyến tham gia cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 
Các điểm cầu trực tuyến tham gia cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Các đợt dịch liên tiếp xảy ra khiến doanh nghiệp vận tải Hải Phòng giảm tới 70% hoạt động, doanh thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn trả lãi vay, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm. Vì thế, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng về 5% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Đồng thời, chỉ đạo hệ thống các ngân hàng giảm lãi suất, giảm 3-5% lãi suất/năm cho vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Hiện tỷ lệ giảm chỉ 0,5% là không đáng kể và không tương xứng với những thiệt hại của doanh nghiệp do đại dịch gây ra. Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải được tạm dừng đóng và nợ tiền bảo hiểm xã hội hết năm 2021; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang nợ phí bảo trì đường bộ hết năm 2021.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cũng cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại Nghị định 68/2021/NQ-CP và các quyết định quy định về hỗ trợ người lao động là tích cực nhưng doanh nghiệp đánh giá khó tiếp cận với nhiều chính sách không thực tế. Do đó, đề nghị sửa đổi các điều kiện nhanh chóng để doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần NAFOOD Nghệ An,
cho rằng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các chính sách hỗ trợ phải được triển khai một cách nhanh nhất, tối giản nhất và công bằng.

Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ đều có tiêu chí chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. “Tôi kiến nghị với những ngành tiềm năng không nên giới hạn sự hỗ trợ. Chúng ta có thể hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn bởi đây là những doanh nghiệp có tính dẫn dắt trên thị trường”, ông Hùng nhấn mạnh.

CẦN SỰ HIẾN KẾ CỦA DOANH NGHIỆP

Lắng nghe tất cả tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt hại to lớn mà người dân và các doanh nghiệp đã và đang phải gánh chịu trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đội ngũ doanh nhân có vai trò rất quan trọng, là lực lượng chủ lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống.

Vị trí vai trò này không chỉ nói chung chung, mà đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, ngay cả trong Văn kiện Đại hội Đảng cũng đã xác định vị trí của doanh nghiệp doanh nhân. Bởi vậy các kiến nghị của doanh nghiệp đã được Quốc hội ghi chép đầy đủ để xem xét, tháo gỡ.

“Kể cả những ý kiến đã phát biểu hay chưa, VCCI cũng sẽ tổng hợp một cách đầy đủ, gửi đến các cơ quan chức năng và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để “gạn đục khơi trong”, nghiên cứu chắt lọc một số vấn đề lớn trong báo cáo thẩm tra, cũng như Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế -xã hội năm 2022”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đồng thời ông cho biết Trung ương cũng đã thảo luận và kết luận là sẽ xem xét, để điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích phục hồi nền kinh tế.

Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết tới đây,
chúng ta phải tính toán tới việc thích ứng an toàn với đại dịch. Đây là chủ trương của Đảng về thực hiện mục tiêu kép. Năm 2020, Việt Nam đã làm được việc này, nhưng từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, tình hình phức tạp hơn, vẫn thực hiện mục tiêu kép, nhưng ưu tiên chống dịch hơn.

Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta cũng nhận thức rất rõ, bảo vệ đội ngũ người lao động là bảo vệ sản xuất, nhưng vừa qua, vaccine của Việt Nam có ít, nên tập trung cho những vùng trọng điểm khó khăn và lực lượng tuyến đầu.

Tuy nhiên, đến quý 3/2021 và quý 1/2022 năm sau, khi vaccine về nhiều hơn, ngoài vấn đề phân bổ cho các địa phương theo số dân, còn ưu tiên cho các lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất.

Hơn hết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta cần xem xét đối với các doanh
nghiệp, nếu không áp dụng giải pháp ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến, thì doanh nghiệp sẽ áp dụng cách gì. Chính phủ, Quốc hội cần các doanh  nghiệp hiến kế ở vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, VCCI cũng đã có kiến nghị rất đáng
chú ý, đó là tăng cường tính tự chủ cho doanh nghiệp, không xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng ngành hàng, doanh nghiệp nhưng phải đặt ra một số nguyên tắc.

Doanh nghiệp nào thấy đảm bảo được thì được quyền quyết định làm, còn chính quyền sẽ hậu kiểm và điều chỉnh, uốn nắn… trong trường hợp có F0 trở lại, kịch bản xử lý như thế nào sẽ phải tính toán. Và tới đây, xu hướng kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19 sẽ như thế nào?... Đây là những vấn đề cần được bàn bạc, xem xét thấu đáo…