09:32 26/11/2014

Chỉ là doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước nắm 100% vốn

Nguyễn Lê

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 26/11

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Không cần ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, được tự chủ hơn về con dấu… Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 26/11.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.

Theo  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu, đồng thời có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Liên quan đến hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, báo cáo giải trình ghi nhận ý kiến đề nghị bổ sung phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng yêu cầu bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với tất cả các trường hợp sẽ làm tăng thêm thời gian thành lập doanh nghiệp tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ rất lớn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, sẽ có tác động không thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Do vậy, phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có căn cứ kiểm soát một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, luật đã bổ sung quy định trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, khái niệm doanh nghiệp nhà nước cũng đã được chỉnh sửa. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quy định tại dự thảo trước là nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Quy định này nhằm tạo sự thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần hóa, Chủ nhiệm Giàu nêu quan điểm của người đề nghị.

Với nhóm công ty, báo cáo cho biết có đại biểu đề nghị xác định rõ tiêu chí của tập đoàn kinh tế tư nhân để giúp chuẩn hóa công tác quản lý nhà nước và tạo động lực cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc các công ty tư nhân liên kết thành nhóm công ty và hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế là quyền và xu thế phát triển của doanh nghiệp.

Để thể hiện quan điểm này, dự thảo luật đã bổ sung quy định: tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.

Khi luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2015) Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực thi hành, trừ một số  trường hợp được quy định ngay tại luật.

Đáng chú ý là từ 1/7/2015 hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ.