21:15 07/05/2012

Cơ hội doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển xanh

Phan Anh

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về công nghệ xanh 2012, 2 nước có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về công nghệ xanh 2012 do Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung tâm Hợp tác môi trường Việt–Hàn, Viện Công nghệ và kỹ thuật môi trường Hàn Quốc (KEITI) tổ chức ngày 7/5/2012, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp 2 nước có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và các khu công nghiệp; đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi triển khai các dự án xanh, phát triển kinh tế xanh.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt - Hàn đã thống nhất kế hoạch hợp tác trong thời gian tới tập trung vào giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của Việt Nam trong đó có vấn đề ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, công nghệ xanh và những vấn đề các doanh nghiệp 2 nước cùng quan tâm.

Thách thức ô nhiễm và suy thoái môi trường

Ông Đặng Văn Lợi, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết, lượng nước thải các loại chưa được xử lý lên tới 1,5 tỷ m3, trong đó nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỷ m3. Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội thải hơn 260.000 m3 nước thải công nghiệp; hệ thống sông Đồng Nai cũng tiếp nhận 1,5 triệu m3 nước thải công nghiệp/ngày.

Thống kê hiện có khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp (chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và lớn) có trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên. Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 283 KCN được thành lập, trong đó có 180 KCN đang hoạt động có hệ xử lý nước thải tập trung.

Ông Lợi cho biết thêm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh ở các đô thị khoảng gần 30.000 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom và xử lý chỉ đạt 83%; ở nông thôn là hơn 30.000 tấn/ ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 50-60% có nơi chỉ 20-30%. Xử lý rác thải ở Việt Nam chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp (80-85%) nhưng chôn lấp hợp vệ sinh chỉ đạt 15- 20%. Hiện có 20 dự án xử lý rác thành các sản phẩm tái chế, quy mô nhỏ và khó tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Lợi, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường của 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam dự kiến có thể lên tới hơn 7,6 tỷ USD, có những ngành cần số tiền lớn như: thủy sản, thép, điện lực, giấy, hóa chất, các khu công nghiệp và dệt may... Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn ba vùng kinh tế trọng điểm với 7 khu xử lý chất thải rắn sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2020 với tổng số vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển xanh

Các chuyên gia cho rằng, chính sách đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường hiện nay đòi hỏi phải đa dạng hóa về hình thức và phương thức huy động vốn, gắn với lợi ích của người đầu tư.

Trong giai đoạn 2006- 2011, tổng giá trị ký kết ODA cho các dự án chương trình bảo vệ môi trường khoảng hơn 2,9 tỷ USD, trong đó vốn vay là hơn 2,8 tỷ USD. Việt Nam cũng đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi trong phát triển công nghệ môi trường. Tuy nhiên, ngoài hạn chế về nhận thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp,vấn đề tiếp cận vốn đầu tư cho xử lý chất thải còn nhiều khó khăn.

Để giải quyết thách thức ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được đề ra trong chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam là tăng cường phát triển hợp tác quốc tế. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội cũng như trong lĩnh vực môi trường.

Theo bà Yoo Young Sook, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, trước thách thức biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cần tăng cường hợp tác, trong đó chú trọng phát triển hợp tác thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.

Ông Hwang Byung Hyun, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, đến nay, Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc đã phê duyệt 277 dự án, triển khai tại 49 quốc gia đang phát triển với tổng số vốn hơn 8.000 tỷ Won. Việt Nam đang là nước được hỗ trợ nhiều nhất, nằm ở vị trí số 1, khoảng 40 dự án với tổng số vốn được duyệt hơn 1.600 tỷ Won. Giao thông, nước và vệ sinh, năng lượng, giáo dục và viễn thông là những lĩnh vực chiếm tỷ lệ hỗ trợ lớn nhất.

Quỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực tăng trưởng xanh và sẽ tăng quy mô lên đến 30% nữa. Riêng trong lĩnh vực phát triển xanh năm 2010 đã phê duyệt hơn 2,8 tỷ Won và năm 2011 hơn 4 tỷ Won. Hiện các dự án của Việt Nam đang hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm 0,05% so với mức thông thường.

Ông Hwang Byung Hyun hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn này. Đây là quỹ hỗ trợ có nhiều ưu đãi với lãi suất được áp dụng linh hoạt từ 0,01% đến 2,5% có bảo lãnh của Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước.