14:35 21/06/2015

“Dị nhân” Phil Zadro: Chân dung ông vua mắc-ca thế giới

Minh Đức

Khi xế chiều, người ta thường nghĩ đến thú vui câu cá hoặc ngồi chờ đến lúc khuất núi?

Khi đã 86 tuổi, dù đã là vua mắc-ca thế giới, đã có cả một gia tài lớn, nhưng dường như với Phil Zadro tất cả mới chỉ là bắt đầu - Ảnh: The Australian.<br>
Khi đã 86 tuổi, dù đã là vua mắc-ca thế giới, đã có cả một gia tài lớn, nhưng dường như với Phil Zadro tất cả mới chỉ là bắt đầu - Ảnh: The Australian.<br>
Để biết về ai đó chưa gặp, đôi khi nghe từ những người khác kể lại, cũng có thể định hình một góc nhìn tương đối. Khi đến một số nhà máy hay trang trại mắc-ca vùng Queensland, Australia, người viết chú ý đến một nhân vật, được nhiều người nói tới, với niềm tự hào.

Ở đây, họ xem ông vua mắc-ca Phil Zadro như một dị nhân.

Khởi đầu mới ở tuổi tri thiên mệnh

Là một người Ý nhập cư, Phil Zadro lập nghiệp ở Úc từ hai bàn tay trắng. Khi đặt chân đến xứ sở của chuột túi, chàng trai này không bao giờ nghĩ mình sẽ là một nông dân, rồi tiếp đó lên ngôi ông vua mắc-ca của thế giới.

Phil bắt đầu từ lĩnh vực xây dựng. Ông thành công khi trở thành một ông chủ ở Sydney. Nhiều năm sau đó, để có cả một gia tài từ tính toán kinh doanh, ông phải trả giá bằng cú rơi vào căng thẳng tâm lý nghiêm trọng. Liệu pháp bác sỹ đưa ra, cần tìm một thú vui tiêu khiển.

Bang New South Wales là điểm đến mới. Phil mua một trang trại, thả niềm vui theo đàn bò và dòng sữa. Thế nhưng công việc này cũng không mấy nhẹ nhàng và không xem là thú tiêu khiển được.

Có lẽ khi luống tuổi, công việc nhẹ nhàng và thư thái hơn là trồng cây và chăm bón. Cơ duyên với mắc-ca đến với Phil từ đây.

Với nhãn quan của một doanh nhân, từng lăn lộn từ hai bàn tay trắng, người đàn ông khá gầy guộc này nhận thấy mắc-ca là loại cây tiềm năng, sẽ phát triển được cả một ngành công nghiệp chế biến.

Đó là 35 năm về trước, khi Phil mới có... 51 tuổi. Ở thời điểm đó, các vùng Gympie, Bundaberg ở Queensland, các nông trại rất chuộng cây mía - cây truyền thống.

Khi thấy một số trang trại bỏ mía làm mắc-ca, rồi một ông chủ xuất hiện thành lập doanh nghiệp trực tiếp trồng và lập nhà máy chế biến, người trong vùng nhìn ông chủ Phil bằng cặp mắt khó hiểu, nghi ngại, dù khi đó là cây thương mại bản địa duy nhất của họ.

Bỏ qua những xì xào, theo lời ông Jim Wilson, quản lý nhà máy Pacific Gold Macamadia, khi kể lại với VnEconomy, Phil đã nhanh chóng gây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và rồi, “sự bất ngờ có tính toán” xảy đến.

Cho đến nay, Phil Zadro là người sở hữu chi phối nhà máy sản xuất mắc-ca lớn nhất thế giới tại Úc, cùng hệ thống công nghệ hiện đại. Tự bỏ vốn đầu tư, tư tìm cách làm, bỏ qua những xì xào, người đàn ông tự tạo nên bất ngờ khi ngay năm đầu tiên đã có lãi với nhà máy đó, thay vì trù tính chấp nhận lỗ vài năm đầu.

Từ chối tiết lộ về lợi nhuận và doanh số khi trả lời VnEconomy, song ông Jim Wilson cho biết, tốc độ tăng trưởng “rất, rất tốt”.

Sau thành công của một người gốc Ý nhập cư, nhiều chủ trang trại vùng Queensland, New South Wales và một số tờ báo bản địa gọi đó là “ông vua mắc-ca điên rồ”, một cách trìu mến.

Nhiều người làm theo ông, sau khi được thuyết phục bằng kết quả đầu tư, cùng nhận định: “Mắc-ca là loại cây hoàn hảo để trồng và xuất khẩu hạt ở Úc. Loại hạt này có khối lượng thu hoạch nhỏ nhưng giá trị cao, đòi hỏi ít chi phí nhân công. Hạt mắc-ca lại có thời hạn bảo quản dài, tốt cho sức khỏe và nguồn cung hạn chế”.

“Người khác biệt”

Nguồn cung hạn chế. Nhưng tầm nhìn của Phil lại mở rộng. Do chi phí đầu tư ở Úc cao, ông nhìn tới Nam Phi, và đến nay đã có khoảng 2.000 ha mắc-ca ở nước này. Cộng với khoảng 3.000 ha tại Úc, Phil Zadro chính là cá nhân sở hữu diện tích trồng và số cây mắc-ca lớn nhất thế giới.

Tầm nhìn mở rộng đó gắn với xu hướng nhu cầu mắc-ca ngày một mở rộng. Một tờ báo của Úc nhận định, trong bối cảnh châu Á ngày càng có nhiều người giàu, nhu cầu tiêu thụ những loại hạt cao cấp như mắc-ca cũng tăng lên ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, và đặc biệt là Trung Quốc.

“Nhu cầu tiêu thụ mắc-ca mạnh dần, mà nguồn cung từ ba nguồn xuất khẩu chính là Australia, Nam Phi và Hawaii lại rất hạn chế. Bởi vậy, mức giá trả cho sản phẩm của 750 nhà trồng macadamia đã tăng 20% trong năm nay. Khách Trung Quốc chiếm 15-20% sản lượng mắc-ca hàng năm 40.000 tấn của Australia”, cũng theo thông tin từ tờ báo nói trên.

Ông Jim Wilson cho biết thêm, hiện Pacific Gold Macadamia cũng phải cạnh tranh giá mua từ các nông trại, vì đã bắt đầu xuất hiện các thương lái Trung Quốc tìm đến tận vườn mặc cả. Tâm lý chung của các chủ trang trại là muốn có tiền mặt ngay từ những thương lái này, thay vì phải chờ các kỳ thanh toán với các doanh nghiệp nội địa.

Không dừng lại đó, gần Bundaberg, một trong những nhà chế biến và phân phối hạt mắc-ca lớn nhất của Trung Quốc là Chacha Food đã mua một trang trại để tự đảm bảo nguồn cung.

Từ cây thương mại bản địa duy nhất bị hoài nghi, đến nay đã có thể chạy xe mải miết để lướt qua những khu vườn mắc-ca rộng lớn dọc theo các xa lộ vùng Queensland, cùng nhiều đồn điền đang trồng mới.

Trước khi có sự mở rộng đó, Phil Zadro từng có một chia sẻ được nhiều báo ở Úc trích dẫn lại: “Mong muốn gần đây nhất của tôi là trở thành nhà trồng và chế biến mắc-ca lớn nhất thế giới, nhưng tăng trưởng là một tiến trình tự nhiên nếu thị trường vẫn có nhu cầu. Thực lòng mà nói, tôi không hiểu quan niệm cho rằng khi đã nhiều tuổi rồi là anh nên đi câu cá và ngồi chờ đến lúc chết”.

Gắn với câu nói đó, chuyên gia lâm nghiệp Úc Martin Novak, người từng đến Tây Nguyên (Việt Nam) tư vấn về kỹ thuật trồng mắc-ca, nói với VnEconomy rằng: “Phil Zadro là một người khác biệt. Tôi khâm phục ông ấy, như ở thói quen dậy từ 4h sáng để tập thể dục, rất đều đặn”.

“Còn với mắc-ca, khi đã 86 tuổi, dù đã là vua mắc-ca thế giới, đã có cả một gia tài lớn, nhưng dường như với ông ấy, tất cả vẫn mới chỉ là bắt đầu”, Martin nói.