08:15 25/05/2007

Doanh nghiệp Nhà nước mạnh hay yếu?

Dương Ngọc

Từ các số liệu của Tổng cục Thống kê và của Bộ Tài chính về doanh nghiệp nhà nước, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước đang giảm dần cả về tuyệt đối, cả về tỷ trọng - Ảnh: Việt Tuấn.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước đang giảm dần cả về tuyệt đối, cả về tỷ trọng - Ảnh: Việt Tuấn.
Từ các số liệu của Tổng cục Thống kê và của Bộ Tài chính về doanh nghiệp nhà nước, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Thứ nhất, về số lượng, tính đến đầu năm 2006, cả nước còn 4.086 doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động, chỉ còn chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của toàn bộ nền kinh tế và chỉ còn chưa bằng một phần ba tổng số doanh nghiệp Nhà nước trước đổi mới.

Theo tiến độ cổ phần hoá tới đây, tỷ lệ trên còn giảm nhanh và còn thấp hơn nữa và đó là đúng với xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường mà nước ta lựa chọn.

Trong tổng số doanh nghiệp Nhà nước, số doanh nghiệp do địa phương quản lý chiếm tỷ trọng cao hơn số doanh nghiệp do trung ương quản lý (55,3% so với 44,7%). Trong khi số doanh nghiệp địa phương có quy mô nhỏ hơn, trình độ thiết bị, kỹ thuật - công nghệ thấp hơn, hiệu quả thấp hơn, thì số lượng doanh nghiệp do địa phương quản lý như thế là nhiều.

Hơn nữa, cơ chế bộ chủ quản, tỉnh chủ quản - một cơ chế không phù hợp với kinh tế thị trường, bởi trong kinh tế thị trường "cấp trên" của doanh nghiệp là pháp luật, Nhà nước chủ yếu tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng "con đẻ" (những doanh nghiệp do mình chủ quản), "con nuôi" (doanh nghiệp Nhà nước cùng chuyên ngành nhưng thuộc bộ ngành khác hoặc thuộc địa phương quản lý), "con hoang" (những doanh nghiệp ngoài hai loại trên).

Điều đó đòi hỏi tiến độ chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý cần được đẩy nhanh hơn.

Thứ hai, mặc dù quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp Nhà nước cao hơn khu vực doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (499,5 người so với 28,2 người và 330,2 người) nhưng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước đang giảm dần cả về tuyệt đối (từ trên 4114 nghìn người đầu năm 2002 giảm xuống còn gần 2041 nghìn người đầu năm 2006), cả về tỷ trọng trong tổng số lao động làm việc ở tất cả các doanh nghiệp (từ 53,8% xuống còn 32,7% trong thời gian tương ứng).

Thứ ba, mặc dù quy mô vốn sản xuất kinh doanh bình quân một doanh nghiệp Nhà nước cao hơn khu vực doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (327,5 tỷ đồng so với 5,8 tỷ đồng và 132,5 tỷ đồng), nhưng tỷ trọng số vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng số vốn của các doanh nghiệp bị giảm mạnh (từ 55,9% năm 2001 xuống còn 54,9% năm 2005), trong khi của doanh nghiệp dân doanh lại tăng lên (từ 12% lên 25%) và của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm ít hơn (từ 22,1% xuống 20,1%).

Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đạt 747,4 nghìn tỷ đồng. Trong tổng tài sản "đo đếm được" thì nợ phải thu chiếm 22,2%, số nợ đến hạn của các doanh nghiệp Nhà nước đã lên đến 449,2 nghìn tỷ đồng, trong đó 76% là vốn vay ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; số còn lại là các khoản phải nộp ngân sách, chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác, vay của người lao động trong doanh nghiệp.

Hệ số nợ phải trả trên vốn của không ít tổng công ty, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông rất cao, gấp 5 lần hệ số vốn Nhà nước tại đơn vị, thậm chí có đơn vị có vốn vay gấp từ 20 đến 35 lần, dẫn đến gặp nhiều rủi ro trong hoạt động, khả năng thanh toán nợ kém.

Thứ tư, về kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh, trừ những doanh nghiệp nhà nước có lợi thế kinh doanh, được hưởng nhiều chính sách đặc biệt là có kết quả và hiệu quả cao, còn lại nhìn chung là thấp.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2005 doanh thu đạt 42.310 tỷ đồng lợi nhuận đạt 24.924 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam doanh thu đạt 38.818 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.200 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, doanh thu đạt 32.760 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 11.560 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản doanh thu đạt 22.788 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.130 tỷ đồng,... Những đơn vị đóng góp nhiều cho ngân sách là Tổng công ty Xăng dầu (8.252 tỷ đồng), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (3.130 tỷ đồng), Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (2.130 tỷ đồng).

Song tính chung trong giai đoạn 2001-2005, doanh thu của doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 9,1%/năm, trong đó năm 2005 chỉ tăng 7,2% so với năm 2004, tức là chỉ cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng một chút.

Còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả và số doanh nghiệp này phần lớn thuộc ngành nông nghiệp, giấy, dệt, cà phê, dâu tằm tơ, mía đường, thủy sản. Tổng số lỗ năm 2005 của các doanh nghiệp nhà nước là 1.919 tỷ đồng; số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm 19,5%, hoà vốn chiếm 8,8%. Tổng số lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2005 là 6549 tỷ đồng, tuy có giảm 8,7% so với năm trước, nhưng lại tăng 20% so với năm 2000.

Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn như Tổng công ty Xi măng, Cà phê, Xây dựng công trình giao thông 5, Mía đường I, Xây dựng đường thuỷ, Xây dựng Thăng Long, Dâu tơ tằm, Xây dựng công trình giao thông 6. Trong các đơn vị trên, đơn vị lỗ ít nhất cũng lên tới 220 tỷ đồng, đơn vị lỗ nhiều nhất lên đến 1.352 tỷ đồng, gấp gần 13 lần vốn bình quân một doanh nghiệp Nhà nước.

Trong các nguyên nhân chủ yếu làm doanh nghiệp Nhà nước yếu kém có nguyên nhân do nhiều máy móc, thiết bị của doanh nghiệp Nhà nước đã lạc hậu từ 10 đến 30 năm, trong đó có không ít tài sản chờ thanh lý; nhiều máy móc, thiết bị tuy được đầu tư hiện đại nhưng không huy động hết công suất (nhiều doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng tài sản cố định chỉ đạt 50-60%) hoặc tổng vốn đầu tư lớn dẫn đến chi phí khấu hao, chi phí lãi vay trong giá thành sản phẩm cao.

Có nguyên nhân do sử dụng nguyên vật liệu cao hơn định mức, lãng phí trong quá trình sản xuất, sản phẩm hư hỏng nhiều, chi phí tiền lương tăng và do nhu cầu mở rộng sản xuất nên nhiều đơn vị có vốn vay chiếm tới 90% tổng vốn, dẫn đến chi phí khấu hao, chi phí trả tiền lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm.

Sự mạnh, yếu ở trên đặt ra vấn đề, một mặt cần đẩy mạnh cổ phần hoá, mặt khác cần nâng cao chất lượng hoạt động của những doanh nghiệp Nhà nước, để có sức cạnh tranh khi mở cửa rộng, sâu hơn.