15:22 05/01/2009

Gói kích cầu của Chính phủ: Cần tung nhanh một đòn quyết định

TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh tình hình hiện nay đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ

TS. Võ Đại Lược.
TS. Võ Đại Lược.
Là thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia, chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước về các vấn đề cơ bản của kinh tế Việt Nam đến năm 2020, TS. Võ Đại Lược nhấn mạnh tình hình hiện nay đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ.

Ông khuyến nghị Chính phủ nên tìm ra giải pháp chính cho gói kích cầu 1 tỉ USD:

- Chỉ qua các cuộc họp chính thức thấy thực tế nơi nào cũng xin, các tập đoàn gặp Thủ tướng cũng xin, Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng xin... Rồi công chức muốn tăng lương, nhà đầu tư muốn giảm thuế... Vì vậy, gói kích cầu dù là 1 tỉ hay 6 tỉ USD không thể đáp ứng đủ tất cả yêu cầu, mong mỏi ấy. Chúng ta phải tìm được giải pháp chính, tập trung đánh một đòn vào điểm trọng yếu thì gói kích cầu mới cho hiệu quả cao được.

Chính phủ nên đi vay thêm để kích cầu

1 tỉ USD không đủ bù lãi suất cho mọi doanh nghiệp. Thực tế, nếu không khoanh vùng rất khó để các doanh nghiệp nhỏ được hưởng trợ cấp mà không mất các phí không tên? Theo ông, đâu là điểm trọng yếu cần tập trung?

1 tỉ USD để kích cầu là quá ít. Nếu là 6 tỉ USD cũng không nhiều so với yêu cầu hiện nay. Doanh nghiệp hiện có hàng không bán được, nhà đầu tư có tiền không biết đầu tư vào đâu nên biện pháp quan trọng nhất là Nhà nước phải đầu tư vào nơi vừa hút được vốn dư thừa, vừa dùng được hàng tồn đọng, tạo ra việc làm.

Điểm trọng yếu ấy, theo tôi, là cơ sở hạ tầng, đường, điện, y tế... Không nên hoặc phải rất cẩn trọng khi kích vào sản xuất vì sản xuất ra không bán được lại thành vấn đề. Thị trường bất động sản liên quan đến khoảng 60% thế chấp ngân hàng, quan hệ trực tiếp với 50 ngành kinh tế cũng không thể để nó đóng băng được.

Đó là nơi cần tập trung, không nên bù lãi cho tất cả các nơi.

Với công bố sẽ bù khoảng 5% lãi suất, theo ông đã đủ chưa?

Mức bù đó là hợp lý. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ, chỉ năm 1989 và nay, Việt Nam thiểu phát ba tháng liên tiếp nên biện pháp kích cầu cũng phải tương ứng, mạnh mẽ, táo bạo chưa từng có.

Phải có giải pháp đột phá về lãi suất. Chúng ta đã hạ lãi suất cơ bản nhưng nó không có mấy ý nghĩa với lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước nên tìm cách, có thể là in tiền trong định mức, đi vay để cho vay lại với lãi suất chỉ 1-2%, thậm chí là 0% vì doanh nghiệp đang đối mặt nguy cơ phá sản, phải trả nợ đã khó rồi, nói gì đến lãi.

Phải “bán buôn” từ Ngân hàng Nhà nước mới ảnh hưởng được đến lãi suất cho vay của các ngân hàng khác. Hiện Việt Nam mới vay khoảng 40% GDP, ở mức an toàn trong khi các nước khác vay hơn 100% GDP. Mỹ đưa ra các gói kích cầu, họ cũng phải đi vay.

Theo tôi, Việt Nam nên đi vay để kích thích phát triển kinh tế trong nước.

Chỉ kích cầu thôi chưa đủ

Bên cạnh giải pháp kích cầu, theo ông, cần giải pháp gì nữa để nền kinh tế sớm khởi sắc?

Chống suy thoái khó hơn chống lạm phát nhiều. Việt Nam đang có nguy cơ vừa đình trệ vừa lạm phát. Trong biện pháp chống lạm phát những tháng đầu năm đã chất chứa khả năng gây đình đốn. Giờ đã đình đốn thật. Nay chống suy thoái thì trong các giải pháp tung tiền ra có yếu tố gây lạm phát.

Nên theo tôi, ngoài việc đem tiền ra kích cầu, Chính phủ cần tính giảm thêm dự trữ bắt buộc. Tỉ giá là vấn đề không nên tránh né nữa. Với lạm phát, VND đã giảm giá khoảng 20% trong khi chúng ta mới cho nới biên độ khoảng 3%, theo tôi nên điều chỉnh mạnh hơn, 5% chẳng hạn.

Từ khi có thông tin về gói kích cầu đến nay đã gần một tháng. Theo ông, ngoài tư duy phải có gói kích cầu, thì gói kích cầu đó cần phải được thực hiện như thế nào?

Người dân đã đợi khá lâu quyết định cuối cùng về gói kích cầu. Nếu để doanh nghiệp sắp phá sản mới cứu sẽ rất khó. Giải pháp không đặc biệt cũng không thể đáp ứng. Phải nhanh chóng dọn đường các thủ tục thì việc giải ngân gói kích cầu mới nhanh được.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng không thể để đóng băng mãi được, doanh nghiệp không thể huy động vốn thì ý nghĩa sự ra đời thị trường là không có. Nên tính toán mở thêm room nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư chiến lược cần được mua giá ưu đãi hơn.

Chúng ta cần biện pháp quyết liệt, tốc độ phải nhanh, không thể như mọi khi được nữa.

Cầm Văn Kình (Tuổi Trẻ)