08:09 22/11/2010

Kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm của Vinashin trước 30/11

Nguyên Thảo

Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo bổ sung về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)

Chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về Vinshin đã được Bộ Giao thông Vận tải trả lời.
Chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về Vinshin đã được Bộ Giao thông Vận tải trả lời.
Tiếp theo báo cáo từ đầu kỳ họp, Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo bổ sung về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ngay trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên vào sáng nay (22/11).

Tại báo cáo dài 5 trang này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả tái cơ cấu bước đầu Vinashin và đề án tái cơ cấu tập đoàn này.

Theo đó, năm 2010 tập đoàn sẽ bàn giao được 57 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 573,3 triệu USD, nếu điều kiện thuận lợi sẽ bàn giao thêm 9 tàu nữa, nâng tổng số tàu sẽ bàn giao trong năm 2010 là 66 chiếc, báo cáo cho biết.

Mô hình của Tập đoàn sau khi tái cơ cấu bao gồm 43 doanh nghiệp trong đó có công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, 19 công ty con, 1 công ty liên kết và 22 công ty cháu.

Tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người. Tổng số nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng trên tổng tài sản là 68.243 tỷ đồng.

Với quyết tâm của tập đoàn và các cơ quan chức năng liên quan, cùng với kinh tế thế giới và thị trường vận tải biển thế giới phục hồi thì mục tiêu yêu cầu tái cơ cấu Vinashin như đã nêu trên là khả thi, Chính phủ nhận định.

Về trách nhiệm của tập thể, cá nhân, theo Chính phủ, “Bộ Chính trị đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, chỉ đạo, phối hợp với Ban cán sự Đảng, Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý và chỉ đạo kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm của Vinashin, với yêu cầu tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và Nhà nước, xong trước ngày 30/11/2010 để báo cáo Bộ Chính trị.

Không có việc Vinashin thua lỗ đến 100.000 tỷ đồng

Đây là thông tin được khẳng định tại văn bản của Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về nội dung “Thủ tướng có trách nhiệm như thế nào trong vụ Vinashin làm ăn thua lỗ trên dưới 100.000 tỷ đồng, số tiền mà một tỉnh thu nhập 100.000 tỷ đồng/năm phải làm một thế kỷ mới có được?”.

Tại văn bản này, Bộ khẳng định “theo báo cáo của Vinashin và đánh giá của các cơ quan liên quan, đến thời điểm 30/6/2010, tập đoàn có 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, 14 nhà máy đóng tàu đang được đầu tư, tổng tài sản là 104.649 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 86.565 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.034 tỷ đồng”. Như vậy, vốn vay, vốn chủ sở hữu đã được sử dụng để tạo ra tài sản thuộc các cơ sở sản xuất kinh doanh và các con tàu đang đóng, các sản phẩm dở dang, dự án đang đầu tư… của tập đoàn”.

Văn bản có đoạn viết, "việc công bố ra dư luận các số liệu không chuẩn xác về thua lỗ của Vinashin và các suy luận như trên, theo ý kiến Bộ Giao thông Vận tải có thể làm dư luận nhầm lẫn, gây bất lợi cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp".

Cũng theo văn bản của Bộ thì tình trạng khó khăn hiện nay của Vinashin do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ tám, Thủ tướng đã nói: "Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn".

Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải trả lời “sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận và sau khi đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ kết thúc việc thanh tra, trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các tập thể và cá nhân liên quan sẽ được làm rõ”.