18:15 10/12/2016

Kinh tế Việt 2017 trông chừng... Donald Trump

Bạch Dương

“Chúng ta vẫn có cơ hội, nhưng cần vừa khéo léo vừa quyết liệt trong cải cách”

Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, doanh nhân tại đây đã đưa ra những góc nhìn đáng chú ý về kinh tế Việt Nam năm 2017, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều thay đổi lớn. 
Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, doanh nhân tại đây đã đưa ra những góc nhìn đáng chú ý về kinh tế Việt Nam năm 2017, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều thay đổi lớn. 
“Donald Trump thực sự là một “cao thủ”. Những chính sách của ông ấy - chẳng hạn như với Trung Quốc, Đài Loan - khiến chúng ta phải theo dõi kỹ”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nói tại cuộc toạ đàm “Làm ăn gì năm 2017?”, sáng 10/12.

Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, doanh nhân tại đây đã đưa ra những góc nhìn đáng chú ý về kinh tế Việt Nam năm 2017, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều thay đổi lớn.
 
Ẩn số Trump
 
Mở đầu cuộc toạ đàm - do báo BizLIVE tổ chức tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), ông Doanh phát biểu, có lẽ ít có Chính phủ mới lên nào của Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thử thách kinh tế - xã hội như Chính phủ hiện tại…

Tuy đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhưng Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách có tác động tích cực đến triển vọng kinh tế trong nước, với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, việc tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước diễn ra quyết liệt...
 
Tuy vậy, vị nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng dự báo, kinh tế Việt năm 2017 sẽ chịu nhiều tác động từ các chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử, ông Donald Trump. Do vậy, chúng ta cần tỉnh táo quan sát.
 
Đánh giá Donald Trump đang định hướng tập trung cho nước Mỹ, rút lui khỏi nhiều cam kết hiện tại, cũng như khởi đầu cho trào lưu bảo hộ, bảo vệ thị trường nội địa..., song ông Doanh cũng cho rằng kinh tế Mỹ - Việt vẫn có xu hướng bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam đang xuất khẩu thuỷ sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ và nhiều sản phẩm khác cho Mỹ.

Một mặt khẳng định Việt Nam cần có các đối sách nhằm cố gắng đa dạng hoá thị trường, mặt khác, TS. Lê Đăng Doanh cũng thừa nhận, việc tìm được thị trường nào đó thay thế được Mỹ là “rất khó”.
 
Tuy vậy, theo vị chuyên gia kinh tế lão làng, những khó khăn cũng chính là cơ sở để cải cách. Chẳng hạn, với việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam 2017 có thể sẽ rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều “ông lớn”.
 
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra không quá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017, do nhiều yếu tố nội tại và bên ngoài tác động, đặc biệt là ẩn số Donald Trump.

Nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 có thể đạt khoảng 6,7%, ông Hiếu nói: “Năm tới, tôi không cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay. Các yếu tố bên ngoài như biến động quốc tế, biến đổi khí hậu... thì không thể kiểm soát được. Về các yếu tố nội tại như đầu tư công, nợ công..., chúng ta nói nhiều năm rồi mà chưa thấy có dấu hiệu được cải thiện”.
 
TS. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) bình luận, kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, tuy nhiên, do kinh tế Việt Nam và Mỹ ít có cạnh tranh trực tiếp, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không hẳn quá bi quan.

Chưa kể, “nếu TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) không thành, chúng ta còn nhiều đối tác khác như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, do Trung Quốc hậu thuẫn - PV)”, ông Long nói.

Ông cũng nhấn mạnh, với dân số gần 100 triệu, Việt Nam cần chú trọng mở rộng thị trường trong nước.
 
Vẫn có cơ hội
 
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói, trong khi năm 2016 dần khép lại, thì những bài toán đặt ra từ nhiều năm trước vẫn còn ngổn ngang, như tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước...
 
Nhưng trong năm 2017, từ góc nhìn của ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa có “cực kì nhiều cơ hội”.

Lý do là với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước, thì nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có nhiều “đất” để tham gia vào các ngành, lĩnh vực trước kia vốn là lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp Nhà nước.

Nhiều cánh cửa trước kia khép chặt, nay đã hé mở.
 
Ông Kiên bình luận, trong bối cảnh thế giới đang nhanh chóng đi vào thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, Việt Nam vẫn còn có thể tìm thấy lợi thế ở một số lĩnh vực, ví dụ như du lịch, vốn đang còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay.
 
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận xét, cuộc cách mạng nói trên đang diễn ra rất nhanh. Động lực cho tăng trưởng của Việt Nam gần đây và trong năm tới vẫn sẽ là công nghiệp chế tác, khối doanh nghiệp FDI, xây dựng, du lịch - dịch vụ...

“Năm tới, nông nghiệp cũng có thể sẽ cải thiện. Dự báo bất động sản gần đây cho thấy 2017 chưa vào giai đoạn bong bóng. Về du lịch - dịch vụ, liệu Việt Nam có thu hút được nhiều du khách hơn không thì vẫn là câu hỏi. Đầu tư trong năm tới có thể sẽ không được nhiều như năm nay, trong khi xuất khẩu phải đặt mục tiêu thận trọng hơn”, ông Thành dự báo.
 
“Chúng ta vẫn có cơ hội, nhưng cần vừa khéo léo vừa quyết liệt trong cải cách”, ông nói.