16:19 02/12/2009

Lãnh đạo SCIC lương cao gấp 2 lần kế hoạch

Từ Nguyên

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã được công bố sáng 2/12

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị SCIC kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra sai sót về chế độ tài chính, kế toán năm 2008.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị SCIC kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra sai sót về chế độ tài chính, kế toán năm 2008.
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã được Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 2/12.

Một trong những điểm nổi bật tại báo cáo kết quả kiểm toán hoạt động của “siêu” tổng công ty là tính tuân thủ pháp luật về chế độ tài chính kế toán, hiệu quả trong quản lý, sử  dụng vốn, tài sản của Nhà nước cũng như công tác quản lý lao động, tiền lương qua 2 năm hoạt động của đơn vị này.

Thiếu sót "không thể tránh"

Qua kiểm toán cho thấy, tổng tài sản, nguồn vốn của SCIC đến cuối năm 2008 là 40.718 tỷ đồng, bao gồm nợ phải trả là 27.302 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 13.416 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả kiểm toán SCIC cho thấy, nhìn chung SCIC đã tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế quản lý tài chính của đơn vị này về quản lý tài sản, nguồn vốn.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cũng cho thấy, trong quá trình hoạt động, SCIC bộc lộ một số hạn chế, trong do nổi lên là việc “siêu” tổng công ty chưa hạch toán lãi dự thu của quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương lên tới 838 tỷ đồng; chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản nợ về cổ tức và tiền thu quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước Trung ương với các doanh nghiệp, hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập 72,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, SCIC cũng tiến hành trích lập quỹ lương theo đơn giá tiền lương xây dựng thiếu tính hợp lý, không sát thực tế là 3,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua kiểm toán đã phát hiện việc bàn giao vốn từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC được thực hiện chậm.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2008, ước tính có khoảng 300 doanh nghiệp độc lập đã cổ phần hóa các bộ, ngành, địa phương chưa bàn giao về SCIC với số vốn lên đến 5.000 tỷ đồng.

Nổi lên trong đó là hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM mới chỉ bàn giao vốn tại một số doanh nghiệp nhỏ về SCIC. Đặc biệt, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dù đã cổ phần hóa được hơn 2 năm nhưng đến thời điểm  kết thúc kiểm toán (tháng 5/2009) vẫn chưa quyết toán bàn giao vốn Nhà nước về SCIC.

Không những thế, qua kiểm toán tại 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC là Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, Vinamilk và Công ty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines cho thấy, quản lý vốn Nhà nước tại các đơn vị này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, Công ty Jetstar Pacific Airlines đã lỗ hơn 546 tỷ đồng trong năm 2008, nếu tính cả lỗ lũy kế đến hết năm 2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm 121 tỷ đồng.

Đối với Công ty Bảo Minh, SCIC cũng chưa xử lý dứt điểm 10,2 triệu USD từ việc chuyển nhượng Công ty liên doanh Bảo Minh CMG.

Về trách nhiệm, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu SCIC phải nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền thuế 25,2 tỷ đồng tính đến 31/12/2008, trong đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tăng thêm gần 23,5 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị điều chỉnh tăng doanh thu, thu nhập trong năm 2008 số tiền 72,6 tỷ đồng, tăng thu quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương 1.006 tỷ đồng, tăng các khoản phải thu về cổ tức hơn 31 tỷ đồng, tăng vốn đầu tư tại doanh nghiệp 45, 138 tỷ đồng.

Theo ông Đào Văn Dũng, quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân của những tồn tại trên là do mô hình hoạt động của SCIC là khá mới, lại gánh nhiều trọng trách quan trọng trong việc quản lý, đầu tư và kinh doanh nguồn vốn Nhà nước, nên "không thể tránh khỏi" những thiếu sót.

Lương lãnh đạo gần 80 triệu đồng

Kết quả kiểm toán công tác quản lý lao động, tiền lương tại “siêu” tổng công ty cho thấy, đơn vị này chưa thực hiện xây dựng định mức lao động đối với từng loại công việc và chưa có giải trình cụ thể cơ sở xây dựng đơn giá tiền lương như mức độ giản đơn, phức tạp của công việc.

Đáng chú ý, việc phân phối tiền lương  tại SCIC cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể, quỹ tiền lương của lãnh đạo Tổng công ty được duyệt là 1,473 tỷ đồng nhưng thực tế trong năm 2008, đơn vị này đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương được duyệt là 1,168 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, thu nhập bình quân của lãnh đạo tại SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ là 40 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế năm 2008, thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Theo Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, lý do để SCIC chi trả tiền lương tăng vượt mức có thể là do tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Hơn nữa, lương biên chế cho SCIC là 130 người, nhưng thực tế đơn vị này phải chi trả là 180 người.

Tuy nhiên, theo Phó tổng kiểm toán, thực tế có tình trạng kê khai việc làm thêm giờ chưa hợp lý khiến chi phí tăng. Chẳng hạn, chi phí làm thêm tại SCIC nhiều trường hợp chi vượt tới 200 giờ/năm theo quy định của Nhà nước, thậm chí có trường hợp vượt trên 500 giờ, với tổng số tiền là 504 triệu đồng.

Với thực tế đó, riêng về chi tiền lương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 3,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị SCIC kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra sai sót về chế độ tài chính, kế toán năm 2008. Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, để xảy ra sai sót tại SCIC có trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phê duyệt đơn giá tiền lương của SCIC.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị: từ năm 2009 trở đi, trước khi phê duyệt đơn giá tiền lương cho SCIC, liên bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội cần kiểm tra việc tuân thủ các quy định hiện hành của đơn vị này.