14:34 19/09/2007

Người đi “săn” công ty

Nguyễn Bảo Hoàng chuyên đi “săn” những công ty Việt Nam mới thành lập trong ngành công nghệ cao để “thổi” chúng lớn lên

"Ở Việt Nam điều nguy hiểm nhất là hiện nay nhiều người đang muốn làm giàu thật nhanh, thật to".
"Ở Việt Nam điều nguy hiểm nhất là hiện nay nhiều người đang muốn làm giàu thật nhanh, thật to".
Trong giới đầu tư tài chính ở Việt Nam, Nguyễn Bảo Hoàng được “xét nét” nhất vì anh xuất thân từ một bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Mỹ nhưng lại được giao điều hành một quĩ đầu tư được xem là mạo hiểm nhất tại thị trường Việt Nam: IDG Ventures Việt Nam (IDG).

Chính vì thế, Hoàng luôn là sự lựa chọn số 1 của bất kỳ ai muốn nghe những câu chuyện lý thú về việc đi “săn” những công ty Việt Nam mới thành lập trong ngành công nghệ cao, “thổi” cho chúng lớn lên bằng nhiệt huyết, tài năng và khát vọng của những người trẻ tuổi.

Ngày 12/9, Hoàng đã có mặt tại hội thảo quốc tế về “Các lựa chọn đầu tư tại Việt Nam” cũng là để nói về đề tài này. Nguyễn Bảo Hoàng đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh triết lý kinh doanh và kế hoạch đầu tư mới của mình.

Trước khi anh đầu quân về IDG, Quĩ đã có một thời gian hoạt động không thành công vì những người lãnh đạo trước anh hầu như không thể tìm ra được dự án nào thích hợp với tiêu chí đầu tư của quĩ. Bây giờ, dưới sự điều hành của anh trong hơn ba năm qua, quĩ đã đầu tư với 23 dự án toàn thuộc những ngành mới nổi. Xin hỏi thật: anh hài lòng dự án nào nhất?

Hỏi như thế chẳng khác nào bảo tôi phải trả lời trong số những đứa con của mình, tôi yêu quí đứa nào nhất. Tôi luôn thấy thơ thới khi nói về những dự án này, về những người đang điều hành chúng. Mỗi ngày, tôi hạnh phúc khi được làm việc cùng họ, được chia sẻ trong từng suy nghĩ, từng niềm vui nỗi buồn, được nhìn thấy từng công ty lớn lên và thành công.

Mỗi lần họp hội đồng quản trị với các công ty, tự đáy lòng mình tôi luôn mong muốn 80% tin tức đem ra bàn thảo là... tin xấu. Nếu không thì công ty hoạt động không bình thường. Bởi với hầu hết các công ty mới thành lập và đang có sức phát triển, 80% thời gian là để sửa những vấn đề đang xảy ra và hoàn thiện những công việc đang tiến hành.

Nhưng giới tài chính nói rằng anh khe khắt lắm, những công ty anh đầu tư bao giờ cũng giành nắm cổ phần chi phối và rồi chẳng bao giờ hé cửa cho quĩ đầu tư khác bước vào?

Tôi không khóa cửa bao giờ. Nhưng phải công nhận rằng tôi hơi khó tính. Khi một đối tác khác muốn vào, tôi tự hỏi họ muốn gì và có thể giúp gì cho công ty của tôi. Nếu họ thuyết phục được tôi thì không có gì phải ngại cả.

IDG đầu tư theo công thức TMT (công nghệ - truyền thông - viễn thông). Lĩnh vực truyền thông đang được anh quan tâm ở mức độ nào?

Nói thật tôi khoái nhất là đầu tư vào truyền thông.

Vấn đề của truyền thông Việt Nam hiện nay là phải định ra chiến lược phát triển trên cơ sở hiểu biết thị trường và người tiêu dùng. Nên nhớ nhiều tờ báo giấy, tạp chí... ở Mỹ đang “sắp chết” trước sự bành trướng của Internet.

Đương nhiên, tôi biết quảng cáo trên các tờ báo điện tử hiện nay chẳng là bao so với báo giấy, nhưng 5 - 7 năm nữa tỉ lệ này sẽ thay đổi. Một điều không kém phần quan trọng là để thúc đẩy sự phát triển của làng báo điện tử, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm vấn đề về bản quyền của bài viết.

Còn đầu tư về giáo dục, anh có nhìn thấy cơ hội không? Chẳng phải nhiều người nói Việt Nam đang bị “hổng” về giáo dục chất lượng cao?

Tôi có nhìn thấy và tôi cũng lo lắng nhiều. Bởi hiện nay, đối với giáo dục cao cấp Việt Nam phải đi “gia công” ở nước ngoài, trong khi giáo dục lẽ ra mình phải tự làm, và phải làm tốt. Đúng là người Việt Nam tài năng, nhưng điều này chỉ phát huy khi họ có cơ hội học hành. Chúng tôi đang có vài dự án trong lĩnh vực này và sẽ công bố trong một vài tháng tới.

Nhưng mà đừng nghĩ chúng tôi lập trường đại học hay làm một cái gì đó to tát tương tự nhé. Bản thân tôi mơ ước ngay trong lòng Việt Nam có một trường đại học chất lượng cao tương đương tầm khu vực và thế giới. Khổ nỗi, các nhà đầu tư tư nhân không thể làm một mình. Họ có vốn, có kinh nghiệm, có những người chuyên nghiệp, nhưng dự án phải do chính Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo “chủ xị” mới được.

Nói tới giáo dục, không thể không nhắc tới y tế. Anh là tổng giám đốc một quĩ đầu tư, nhưng lại là một bác sĩ, anh có muốn lập bệnh viện riêng của mình không?

Có chứ. Tôi sẽ làm. Mỗi ngày, tôi đều cảm thấy có chút gì đó tiếc nuối, tự hỏi sao mình không tiếp tục theo đuổi nghề y. Chắc chắn một lúc nào đó tôi sẽ quay trở lại, sau khi đã cảm thấy mình chín chắn trong việc thấu hiểu thị trường này.

Việt Nam có một điểm rất đặc biệt là hai lĩnh vực giáo dục và y tế dường như không theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước. 5 - 6 năm trước, khi vào một bệnh viện công, tôi cứ nghĩ miên man về việc ngoài chi trả chi phí khám bệnh theo qui định còn phải đưa các khoản “linh tinh” khác để giúp người làm trong bệnh viện đủ sống... Phải nói như thế nào nhỉ?

Chất lượng dịch vụ y tế đang thấp, tất nhiên tôi nhìn ra cơ hội, nhưng để biến cơ hội này thành một dự án thành công thì phải tốn nhiều công sức và thời gian. Đó cũng là đặc điểm riêng có của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay: nhìn đâu cũng thấy cơ hội, nhưng để “ghi bàn” được thì khó lắm!

Nhưng anh sắp tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên thêm 200 triệu USD. Điều này chẳng phải nói lên rằng anh đang đầu tư rất thành công đó sao?

IDG có qui mô 100 triệu USD, đã đầu tư được một tỉ lệ nhất định, và trong vòng 9 - 12 tháng tới chúng tôi sẽ giải ngân hết. Trong nửa đầu năm sau, chúng tôi sẽ thành lập quĩ thứ hai huy động chừng 200 triệu USD, chủ yếu từ các nhà đầu tư ở Mỹ.

Nhưng ở Việt Nam điều nguy hiểm nhất là hiện nay nhiều người đang muốn làm giàu thật nhanh, thật to. Đây không phải là cách IDG làm. Là nhà đầu tư, tất nhiên ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận, nhưng chúng tôi không đuổi theo ước mơ kiếm nhiều tiền.

Để thành công, mỗi ngày mình đều cố gắng, bồi đắp. Tiền là cái thứ hai sẽ đến sau khi mình làm được những điều mình yêu thích, với lòng say mê và sự cố gắng cao nhất.