13:23 06/01/2017

Nhà máy 12.000 tỷ: Làm thì lỗ “ít hơn”, dừng thì lỗ 1.200 tỷ

Bạch Dương

Nhà máy Đạm Ninh Bình có quy mô đầu tư trên 12.000 tỷ đồng song năm 2016 lỗ 1.078 tỷ đồng, năm 2017 dự kiến lỗ 1.200 tỷ đồng

Đạm Ninh Bình có quy mô đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Đạm Ninh Bình có quy mô đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), vừa báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình kinh doanh trong năm 2016 và kế hoạch năm 2017 của Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Năm 2016 lỗ 1.078 tỷ đồng

Trong báo cáo, Đạm Ninh Bình cho biết có 3 lý do khiến nhà máy Đạm Ninh Bình buộc phải ngừng hoạt động vào tháng 7/2016. Cụ thể là nhà máy Đạm Ninh Bình bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 - Mirinae gây ra thiệt hại trang thiết bị lên tới 19 tỷ đồng; tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp, lượng ure tồn kho lớn; và đặc biệt là khó khăn về tài chính, thiếu vốn cho sản xuất.

Về tình hình tài chính, Đạm Ninh Bình cho biết tính tới thời điểm 1/9/2016, Đạm Ninh Bình có khoản vay dài hạn hơn 8.375 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng. Năm 2016, công ty dự kiến lỗ 1.078 tỷ đồng.

Trước đó, tính toán của báo cáo khả thi Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cho thấy, số lỗ được lên kế hoạch là 47 triệu USD trong 3 năm hoạt động đầu tiên, tương đương 1.055 tỷ đồng.

Song thực tế, tính đến hết năm 2016, nhà máy Đạm Ninh Bình đã lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2013 nhà máy lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và năm 2016 lỗ khoảng 1.078 tỷ đồng. Công ty đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như trả nợ lãi vay. Năm 2016, công ty dự kiến phải trả phía Eximbank Trung Quốc 600 tỷ đồng.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà máy, Vinachem đã giúp nhà máy trả nợ gốc và lãi vay đến hết năm 2016. Tuy nhiên, công ty vẫn không thể cân đối dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.

“Nợ ngắn hạn các khoản vay tại Vietcombank Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến 28/7/2016 là hơn 227 tỷ đồng và 610 tỷ đồng. Vì vậy, các ngân hàng này đã chuyển nhóm nợ công ty sang nhóm 2 và 3, đồng thời dừng giải ngân vốn vay cho công ty khiến tình hình càng thêm khó khăn”, văn bản nêu.

Chủ đầu tư Đạm Ninh Bình đã tính đến phương án tái khởi động nhà máy sau khi rà soát kỹ các khâu để đảm bảo chạy máy thành công. Từ đầu tháng 11/2016 nhu cầu phân bón tăng trở lại trong khi giá đạm ure trên thế giới có chiều hướng đi lên. Hiện công ty cũng đã tổ chức sửa chữa, củng cố máy móc, thiết bị do hậu quả của cơn bão số 1. Công ty cũng đã thông báo triệu tập được 904 công nhân quay trở lại làm việc.

Công ty cũng bố trí đủ 23 tỷ đồng để mua vật tư chuẩn bị cho khởi động lại máy và vận hành sản xuất nửa đầu tháng 1/2017. Đây là số vốn từ bán sản phẩm tồn kho và chỉ ưu tiên sử dụng cho công tác chuẩn bị chạy lại máy.

Công ty cũng đặt ra giải pháp để thực hiện trong đó có việc giảm định mức tiêu hao, giảm tối đa chi phí hoạt động, hạ giá thành. Đồng thời, tập trung tiêu thụ sản phẩm tối đa ở miền Bắc, triển khai quảng bá sản phẩm cũng như tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp.

Nếu dừng chạy máy dự kiến lỗ thêm 1.200 tỷ đồng

Đạm Ninh Bình cho biết, trong trường nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên, nếu sản xuất được khoảng 290.000 tấn ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.

“Tiếp tục sản xuất đạm ure thay vì dừng máy hoàn toàn có yếu tố là sản phẩm hoá chất, nếu không chạy máy, thiết bị sẽ bị ăn mòn, hậu quả thậm chí khó lường”, báo cáo cho biết phương án sản xuất của năm 2017 của Đạm Ninh Bình trình lên và Vinachem đã phê duyệt.

Trước thực tế trên, Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với Công ty, đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng cho vay.

Đồng thời cho phép điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm 2017 đến 2021 là 3%/năm. Nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo.

Đạm Ninh Bình cũng kiến nghị giảm giá than ít nhất 10%, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng phòng vệ thương mại với phân bón nhập khẩu từ năm 2017...

Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư với số vốn 667 triệu USD, công suất 560.000 tấn urê cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, nhằm thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về giá và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn miền Bắc.

Đạm Ninh Bình được khẳng định là dự án lớn nhất, sử dụng công nghệ hiện đại nhất châu Âu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Vinachem khi đó chỉ có 100 triệu USD và được phía Eximbank Trung Quốc đề nghị cho vay 250 triệu USD với lãi suất 4% một năm, với điều kiện ký kết hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.

Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy rơi vào tình trạng lỗ triền miên.