11:26 25/11/2009

Nhiều sai phạm trong cổ phần hóa tại EVN

Từ Nguyên

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Qua thanh tra đã phát hiện EVN sử dụng gần 757 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa để chi tạm ứng cho các dự án đầu tư mà chưa báo cáo Thủ tướng, thực hiện cổ phần hóa chậm.
Qua thanh tra đã phát hiện EVN sử dụng gần 757 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa để chi tạm ứng cho các dự án đầu tư mà chưa báo cáo Thủ tướng, thực hiện cổ phần hóa chậm.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, EVN có 65 đơn vị thành viên, trong đó có 17 đơn vị trực thuộc, 5 đơn vị sự nghiệp, 23 công ty con do EVN nắm 100% vốn điều lệ, 10 công ty do EVN nắm 50% vốn điều lệ và 10 công ty liên kết.

Tính đến thời điểm thanh tra tháng 3/2009, EVN đã cổ phần hóa được 30 đơn vị, gồm 6 nhà máy điện, 4 công ty tư vấn, điện lực tỉnh Khánh Hoà và 19 công ty khác. Tổng giá trị phần vốn Nhà nước của các đơn vị tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là khoảng 8.300 tỷ đồng. Số tiền thu được phải nộp về EVN khoảng 6.500 tỷ đồng, sau khi trừ phần vốn Nhà nước và các khoản chi phí cổ phần hóa.

Kết thúc thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại EVN và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ xác định EVN đã có nhiều sai phạm.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại 3 đơn vị đã cổ phần hóa gồm: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hoà , Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh. Tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là 3.352 tỷ đồng, số phải nộp về EVN là 799 tỷ đồng.

Qua thanh tra tại một số đơn vị như: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Điện lực Khánh Hoà, Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các đơn vị tư vấn đã tính toán sai giá trị doanh nghiệp, áp dụng không đúng suất đầu tư do Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng ban hành, làm giảm giá trị doanh nghiệp, từ đó làm giảm giá trị phần vốn Nhà nước với số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh chưa nộp đủ phần vốn nhà nước về EVN với số tiền còn phải nộp gần 15 tỷ đồng, ngoài ra chưa xác định số tiền hơn 350 triệu đồng do thanh lý các tài sản phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, công ty này cũng chưa bàn giao số tài sản không cần dùng với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Riêng việc Công ty Điện lực Khánh Hoà chưa bàn giao 4 căn nhà ở thành phố Nha Trang mà tiếp tục sử dụng lại số tài sản này sau khi loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp với giá trị trên 1,5 tỷ đồng là sai quy định.

Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị EVN thu hồi 15,3 tỷ đồng phần vốn Nhà nước còn phải nộp của Công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý số tiền gần 4,5 tỷ do xác định giá trị tài sản sai và xin ý kiến chỉ đạo về những tồn tại khi quyết toán dự án dây chuyền 2 tại Nhiệt điện Phả Lại.

Đặc biệt, qua thanh tra, đã phát hiện EVN sử dụng gần 757 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa để chi tạm ứng cho các dự án đầu tư mà chưa báo cáo Thủ tướng, thực hiện cổ phần hóa chậm, xử lý tài sản không cần dùng, xác định giá trị tài sản doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót…

Do đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu EVN phải báo cáo Thủ tướng về việc xử lý số tiền hơn 756 tỷ đồng thu được từ việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên mà đơn vị này đã tạm ứng cho các dự án đầu tư.

Về tổng thể, Thanh tra Chính phủ kết luận việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN chưa đảm bảo tiến độ được phê duyệt theo các quyết định của Thủ tướng. Tính đến thời điểm thanh tra mới chỉ có 30/55 đơn vị trong kế hoạch được cổ phần hóa.

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, việc Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy Thủy điện Thác Bà không có tên trong danh mục được tiến hành cổ phần hóa là sai với nội dung các quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án tổng thể, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc EVN.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra một số sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các cá nhân ở Bộ Công Thương, EVN, Công ty Nhiệt điện Phả Lại, Điện lực Khánh Hòa, Công ty Điện lực 3, Công ty Sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh, Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bi Điện Đông Anh, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa...

Với kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.