08:36 03/01/2008

Những ông chủ “không chịu” về hưu

Kiều Oanh

Trong nhiều công ty gia đình của châu Á, việc một người cao tuổi giữ ghế chủ tịch dường như đã trở thành một quy tắc

Tháng 10 vừa qua, tỷ phú Run Run Shaw đã tròn 100 tuổi.
Tháng 10 vừa qua, tỷ phú Run Run Shaw đã tròn 100 tuổi.
Làm việc 80 năm trong lĩnh vực truyền thông, tỷ phú Run Run Shaw đã xây dựng nên một đế chế điện ảnh và truyền hình tiếng Hoa thành công nhất thế giới.

Ông là người đồng sáng lập Shaw Brothers, hãng phim huyền thoại, nơi ra đời nhiều bộ phim tiếng Hoa lừng danh trong các thập niên 1950, 1960 và 1970. Ông cũng là người sáng lập kênh truyền hình nổi tiếng TVB của Hồng Kông, nơi sản xuất những bộ phim tiếng Hoa đắt khách nhất và cũng là nơi làm nên sự nghiệp của những thần tượng điện ảnh lớn như Lưu Đức Hoa.

Tỷ phú này đã được Nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh phong tặng tước hiệu hiệp sỹ và là một nhà làm từ thiện lớn, với những khoản tài trợ đáng k cho các trường đại học ở Hồng Kông. Ông cũng đã học tập Alfred Nobel, thành lập một giải thưởng mang tên mình để tôn vinh những thành tựu trong ngành thiên văn học, toán học, khoa học đời sống và y học.

Mặc dù vậy, có một điều mà ông vẫn chưa thể làm được: Lên kế hoạch nghỉ hưu cho mình. Tháng 10 vừa qua, ông đã tròn 100 tuổi và hiện vẫn giữ ghế chủ tịch của TVB. Vài năm trước đây, ông vẫn thường xuyên có mặt tại trụ sở của TVB, nhưng hiện nay, ông không đến văn phòng hàng ngày nữa. Mặc dù vậy, ông vẫn là nhân vật quan trọng nhất của TVB.

Quy tắc của các doanh nghiệp gia đình châu Á?

Tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng có những ông chủ “kỳ cựu” như Chủ tịch Run Run của TVB.

Có thể kể ra đây vài ví dụ như Chủ tịch Summer Red Stone của đế chế truyền thông Viacom của Mỹ, người sinh năm 1932, hay ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, Giám đốc điều hành của News Corp., người sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, những ông chủ này chỉ là ngoại lệ ở Mỹ, một quốc gia mà ở đó, thậm chí cả những công ty gia đình cũng áp dụng độ tuổi nghỉ hưu nhất định cho các quan chức cao cấp. Trong các công ty vào hàng blue-chip của Mỹ, hiếm khi có những quan chức ở tuổi 70, chứ đừng nói gì đến các quan chức ở tuổi 80 hay 90.

Tuy nhiên, ở châu Á, tình hình lại khác. Trong nhiều công ty gia đình của Trung Quốc và Ấn Độ, việc một người cao tuổi giữ ghế chủ tịch dường như đã trở thành một quy tắc, thay vì một ngoại lệ.

Ông Cheng Yu-teng, Chủ tịch tập đoàn New World Development của Hồng Kông đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 83 của ông vào năm ngoái. Tỷ phú người Hoa gốc Mã Robert Kuok, Chủ tịch của Kerry Group, tập đoàn sở hữu tờ South China Morning Post và chuỗi khách sạn Shangri-La, cũng đã 85 tuổi.

Tỷ phú người Philippine Henry Sy, ông chủ chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này là ShoeMart, sắp 84 tuổi. Chủ tịch Kumar Birla của tập đoàn Birla Group có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), tập đoàn hoạt động trong một loạt lĩnh vực như xi măng, dệt may, giáo dục… cũng sắp 87 tuổi.

Nhiều ông chủ khác, chẳng hạn tỷ phú tuổi 80 Li Ka-Shing - Chủ tịch công ty bất động sản Cheung Kong và tập đoàn bán lẻ, viễn thông và vận tải biển Hutchison Whampoa, cũng không tỏ ra dấu hiệu nào cho thấy họ sắp về hưu.

Một số khác, trong đó có nhà công nghiệp hàng đầu của Đài Loan, người sáng lập hãng nhựa Formosa Plastics, tỷ phú sắp 91 tuổi Wang Yung-ching, đã tiến hành các bước chuyển giao bớt quyền lực cho thế hệ trẻ, nhưng vẫn là những nhân vật quan trọng nhất trong doanh nghiệp.

Lý do “giữ ghế” lâu

Theo GS. Simon Ho của Đại học Baptist Hồng Kông, một người chuyên nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình, có nhiều lý do khiến những ông chủ nói trên chưa thể lên kế hoạch nghỉ hưu cho dù tuổi tác đã cao.

Trong nhiều trường hợp, người sáng lập công ty đã trở thành hiện thân của thương hiệu của công ty đó, vì họ đã trải qua nhiều thập kỷ gây dựng doanh nghiệp và cũng không thể dễ dàng trao quyền lực lại cho người khác mà không ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.
“Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến một doanh nghiệp vì người sáng lập của doanh nghiệp đó vẫn đang nắm quyền”, GS. Ho cho biết. Cũng theo vị giáo sư này, quyền lực của người sáng lập giúp làm giảm thiểu những bất ổn ở phía trước và khiến các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn.

Điều này là đúng thậm chí cả khi ai ai cũng biết rằng, ông chủ lớn tuổi đã không còn tham gia vào công việc điều hành hàng ngày. “Ông ấy không điều hành trực tiếp hàng ngày, nhưng hình ảnh của ông ấy có thể khiến doanh nghiệp ở trong tình trạng ổn định. Người ta cho rằng, ông ấy là người đáng tin cậy”, GS. Ho nói thêm.

Trên thực tế, thường là nhân viên trong công ty và các khách hàng không hứng thú với một ông chủ mới, trẻ tuổi. “Không chỉ người sáng lập doanh nghiệp không muốn ra đi. Đó còn là ước muốn của những người đã làm việc cho ông ấy và các khách hàng của công ty”, Phó giáo sư Annie Koh từ Đại học Quản lý Singapore nhận xét.

Một số ông chủ lớn của châu Á đã lui về hậu trường và nhường lại quyền lực cho thế hệ sau. Tuy nhiên, theo GS. Ho, trên thực tế, họ vẫn là những người nắm quyền “nhiếp chính”, điều hành doanh nghiệp từ sau “bức màn”.

Mặc dù vậy, đã có một số dấu hiệu cho rằng, một vài người trong số những ông trùm kinh doanh thế hệ đầu tiên của châu Á đã nhận thấy rằng, họ cần cố gắng nhiều hơn để nuôi dưỡng thế hệ kế tục.

GS. Ho chỉ ra một vài ví dụ trong đó những người sáng lập doanh nghiệp gia đình không tán thành việc cho phép con cháu họ nắm quyền điều hành doanh nghiệp. Theo GS. Ho, một khi các ông chủ sáng lập giữ ghế càng lâu, thế hệ con cháu của họ càng có ít thời gian để học cách lãnh đạo doanh nghiệp. Kết quả là, tình hình sẽ càng thêm rắc rối và thậm chí dẫn tới sự xung đột quyền lực trong thế hệ con cháu một khi cha ông họ qua đời.

Do đó, để đảm bảo sự ổn định, một số ông chủ hàng đầu ở châu Á đã lên kế hoạch chuyển giao quyền lực. Tỷ phú Li Ka-shing đã đưa con trai cả của mình là Victor lên vị trí Phó chủ tịch phụ trách cả Cheung Kong và Hutchison. Con trai Khoon Loong Kuok của tỷ phú Robert Kuok cũng đang điều hành chuỗi khách sạn Shangri-La của gia đình.

Vào năm 2005, tỷ phú Birla đã quyết định hai con gái của ông là Jayashree Mohta và Manjushree Khaitan sẽ kế nhiệm ông. Ông chủ TVB Run Run không có con nhưng năm ngoái, người vợ thứ hai của ông là bà Mona Fung đã trở thành quyền giám đốc điều hành tập đoàn.

Những động thái này cho thấy, sẽ có sự thay đổi trong những công ty gia đình của châu Á. Nhưng dù sao, vào thời điểm này, những ông chủ cao tuổi trong các doanh nghiệp này vẫn chưa hề tỏ ra vội vàng trong kế hoạch “thoái vị”.

(Theo BusinessWeek)