11:08 12/12/2011

Quản đầu tư của tập đoàn: Bên muốn lỏng, bên muốn siết

Anh Quân

Chuyện quản lý đầu tư và kinh doanh của các tập đoàn xuất hiện hai luồng quan điểm trái nhau

Tại hội nghị hôm 9/12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phải tổng kết sâu hơn mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, mới dừng ở mức này là chưa thật rõ” - Ảnh: Anh Quân.
Tại hội nghị hôm 9/12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phải tổng kết sâu hơn mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, mới dừng ở mức này là chưa thật rõ” - Ảnh: Anh Quân.
Chuyện quản lý đầu tư và kinh doanh của các tập đoàn xuất hiện hai luồng quan điểm trái nhau, giữa một bên là các tập đoàn muốn nới lỏng, bên cơ quan quản lý lại muốn siết chặt lại.

Văn bản số 7732/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước gửi đến Thủ tướng Chính phủ có một chi tiết đáng chú ý.

Khi đề cập đến việc một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, do kinh doanh thua lỗ, không trả được các khoản nợ nước ngoài đến hạn đã phải viện đến Chính phủ trả nợ thay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn nguồn từ một trang báo mạng để khẳng định thông tin đưa ra.

Với vị thế một bộ tổng hợp, có nhiều nội dung thuộc trách nhiệm phải giải trình với Chính phủ, dẫn chứng trên cho thấy thông tin đến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chưa thật đầy đủ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông trong phần phát biểu tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế sáng 9/12 đã khẳng định điều này.

“Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các tập đoàn kinh tế nhà nước phục vụ công tác giám sát còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và cập nhật, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc trao đổi thông tin nên khó có được bức tranh tổng thể về tập đoàn kinh tế nhà nước và đưa ra các cảnh báo sớm”, ông Đông đề cập.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cách thức giám sát, đánh giá của chủ sở hữu hiện nay chủ yếu căn cứ vào báo cáo của các tập đoàn kinh tế nhà nước với tính chất thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu. Trong khi đó, vẫn còn thiếu cơ chế xác định tính xác thực của các báo cáo này.

Nhưng chỉ từ góc độ tổng hợp những dữ liệu “còn thiếu cơ chế xác định tính xác thực” nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn sơ bộ nhìn nhận một số hạn chế nổi cộm trong đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn. Cụ thể như, phần lớn tài sản của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành từ vốn vay; lãi không cao và có xu hướng giảm qua các năm...

Đáng chú ý là khi đánh giá về việc đầu tư ngoài ngành, Bộ cũng cho rằng, hầu hết các tập đoàn đầu tư dàn trải, thậm chí có giai đoạn “quá nóng” và hiệu quả cũng chưa cao. Không ít tập đoàn đầu tư mạnh vào những lĩnh vực “nhạy cảm” như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản.

Về nguyên nhân, Bộ Tài chính chỉ rõ đó là do việc phân quyền quá nhiều cho hội đồng thành viên của các tập đoàn kinh tế quá lớn. Cụ thể là phân quyền quyết định đầu tư dự án lên đến 50% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Trong khi một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực có giá trị tổng tài sản hơn 100 nghìn tỷ đồng, cách thức phần quyền như trên dẫn tới khả năng hội đồng quản trị tập đoàn có thể quyết định dự án đầu tư vượt xa nhiều so với quy mô vốn dự án nhóm A, vốn thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cho nên, có những quan ngại rằng với 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập đến nay đã 5-6 năm, nhưng cơ chế để quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh còn chưa rõ ràng và hiệu lực.

Tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn diễn ra hôm 9/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vẫn còn thiếu nhiều quy định để quản lý hoạt động của các tập đoàn, dẫn tới không có cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.

Nhưng về phía các “đương sự”, nhiều tập đoàn trong phần phát biểu của mình lại cho rằng, thực tế hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao có việc cơ chế còn bó buộc.

Với doanh nghiệp bưu chính viễn thông là đăng ký chi nhánh mất nhiều thời gian xin phép và phải qua quá nhiều bộ. Số tập đoàn khác kiến nghị việc phê duyệt chủ trương đầu tư quá chậm, làm mất cơ hội kinh doanh. Hay Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam đề nghị xem lại việc thành lập ban quản lý, kể cả với trường hợp quản lý tòa nhà, vẫn phải được Thủ tướng đồng ý…

Lãnh đạo nhiều tập đoàn “đăng đàn” phát biểu rằng, cần một cơ chế tổ chức “mềm” và linh hoạt để doanh nghiệp hoạt động, hơn là bó cứng quản lý khiến cơ hội kinh doanh đi qua. Thậm chí, việc đầu tư ngoài ngành còn được lý giải rằng sẽ khó tránh khỏi, khi doanh nghiệp đã khai thác “cạn” khả năng phát triển của ngành nghề chính.

Cho nên, trước những ý kiến nhiều chiều, phát biểu tại hội nghị hôm 9/12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phải tổng kết sâu hơn mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, mới dừng ở mức này là chưa thật rõ”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, cơ chế quản lý giám sát tại các tập đoàn… và các tập đoàn phải hoàn thành phương án tái cấu trúc, trọng tâm là tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, trình Thủ tướng ngay trong quý 1/2012.