00:09 31/12/2012

Thêm một “ông lớn” có đề án tái cơ cấu

Trang Anh

Vinachem vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước, có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất

Tại thời điểm phê duyệt, các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập 
đoàn Hoá chất Việt Nam gồm: Văn phòng và các can chức năng, tham mưu; 
Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật hóa chất; Trung tâm Thương mại và 
dịch vụ hóa chất.
Tại thời điểm phê duyệt, các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam gồm: Văn phòng và các can chức năng, tham mưu; Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật hóa chất; Trung tâm Thương mại và dịch vụ hóa chất.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Theo đó, Vinachem vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước, có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất cơ bản và sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

Với đề án tái cơ cấu, Vinachem sẽ có 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính, bao gồm: sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hoá dược.

Ngoài ra còn có hai nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính là tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hoá chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.

Tại thời điểm phê duyệt, các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam gồm: Văn phòng và các can chức năng, tham mưu; Trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật hóa chất; Trung tâm Thương mại và dịch vụ hóa chất.

Theo lộ trình thực hiện từ nay đến 2015, Tập đoàn sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 2 doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá, Tập đoàn nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp. Trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước đang nắm giữ đối với 5 công ty đã cổ phần hoá: Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền, Phân lân nung chảy Văn Điển, Hóa chất Việt Trì.

Tập đoàn nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 13 doanh nghiệp, đồng thời nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ đối với 10 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại 13 doanh nghiệp khác.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyết định này; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Công Thương phối hợp với Vinachem và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinachem trong thời gian tới.

Vinachem được thành lập vào tháng 1/2012 trên cơ sở các đơn vị, nhân sự và tài sản của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của Vinachem là 8 nghìn tỷ đồng.