09:49 10/09/2015

Thời gian báo nghỉ việc của phi công còn 120 ngày, vẫn “trái luật”

Hà Anh

Thông tư 41/2015/TT-BGTVT được cho là sẽ làm khó các hãng hàng không trong nước

Hoàn toàn có khả năng các phi công của các hãng hàng không trong nước sẽ có thể chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không ASEAN khác.
Hoàn toàn có khả năng các phi công của các hãng hàng không trong nước sẽ có thể chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không ASEAN khác.
Tháng 4/2015, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra dự thảo thông tư bổ sung một số điều của bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác bay.

Khi đó, Bộ dự kiến nhân viên hàng không có trình độ cao nếu báo nghỉ việc trước thời hạn, phải có văn bản cho hãng hàng không ít nhất 180 ngày (6 tháng).

Sau nhiều tranh cãi, vừa qua, Thông tư 41/2015/TT-BGTVT đã ban hành, có hiệu lực từ 1/10 tới, đã rút ngắn thời gian báo nghỉ việc trên còn 120 ngày (4 tháng). Nhưng điều này, vẫn được nhiều chuyên gia cho là phạm luật.

Đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết, quy định như trên sẽ làm khó cho các hãng hàng không và cho những ai đầu tư, phát triển các hãng hàng không mới trong tương lai, vì sẽ hạn chế việc tiếp nhận phi công, các kỹ thuật viên có trình độ, tay nghề cao từ các nước đến Việt Nam làm việc cho các hãng hàng không đó, hay việc chuyển dịch việc làm của người lao động có tay nghề cao giữa các hãng hàng không trong nước.

“Dù thời gian báo nghỉ việc được rút ngắn còn 4 tháng, nhưng như vậy vẫn vi phạm quy định của Bộ luật Lao động (quy định người lao động chỉ phải báo nghỉ việc từ 30-45 ngày). Nếu quy định này được thực hiện, chúng tôi sẽ rất khó phát triển do khó tuyển dụng được phi công, nhân viên kỹ thuật từ nước ngoài, trong khi việc đào tạo ở trong nước chưa đáp ứng được”, ông này nói.

Theo LS. Lê Thành Vinh, Phó giám đốc Công ty Luật SMIC, việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 41/2015/TT-BGTVT với điều khoản buộc nhân viên hàng không có trình độ cao phải báo trước 120 ngày là trái với điều 37.2 của Bộ luật Lao động năm 2012.

Bởi, Bộ Luật lao động 2012 ngoài quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn, không có quy định nào yêu cầu thời gian báo trước tối thiểu dài hơn đối với bất kỳ trường hợp người lao động hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, cũng không có bất kỳ khái niệm và ngoại lệ nào đối với nhân viên trình độ cao.

“Việc Bộ Giao thông Vận tải vẫn viện dẫn rằng người lao động trong lĩnh vực hàng không là lĩnh vực đặc thù nên yêu cầu thời gian báo trước để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không hợp lý, bởi có rất nhiều vị trí, ngành nghề được xem là đặc thù, ví dụ như hợp đồng lao động với tổng giám đốc, hợp đồng lao động đối với thủy thủ…, tuy nhiên, tất cả đều phải tuân thủ Bộ luật Lao động 2012. Nếu Bộ Giao thông Vận tải tự quy định ngoại lệ cho ngành mình, thì tất cả các ngành khác cũng sẽ quy định ngoại lệ cho ngành đó, và như vậy sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng”, luật sư Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, căn cứ vào quy định của Bộ luật Lao động 2012, phi công hay những lao động kỹ thuật cao của các hãng hàng không có quyền không ký hợp đồng lao động nếu hãng hàng không yêu cầu phải báo trước 120 ngày. “Nếu hãng ép buộc người lao động ký kết hợp đồng lao động thì khi đó hãng đã vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được quy định tại điều 17 Bộ luật Lao động 2012”, luật sư Lê Thành Vinh nói thêm.

Theo lời một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực hàng không, câu chuyện tranh cãi về vấn đề kéo dài thời gian hợp đồng với hãng hàng không xuất phát từ việc trước đây, khi chưa có các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines ở vị trí độc quyền, khi tuyển dụng phi công, nhân viên kỹ thuật cao thì trong hợp đồng lao động không có điều khoản ràng buộc về bồi hoàn chi phí đào tạo nếu chuyển việc. Nhưng sau này, khi có các hãng hãng không mới, có hiện tượng hàng loạt phi công chuyển đi, Vietnam Airlines mới vội vàng tìm giải pháp ngăn chặn.

“Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận thấy, nếu để phi công nghỉ việc hàng loạt ở Vietnam Airlines thì cũng có cái không ổn, nên ra một văn bản như vậy. Nhưng theo tôi, quy định như thế là dở. Tôi đã từng đề xuất là các bộ nên ban hành một văn bản khác quy định về thời gian đào tạo và bồi thường chi phí đào tạo trong lĩnh vực hàng không, và các hợp đồng lao động của hãng hàng không với người lao động sẽ căn cứ vào đó để dẫn chiếu. Nhưng đáng tiếc là, họ không làm như vậy”, ông này cho biết thêm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những tranh cãi về thời gian báo nghỉ 180 ngày nay còn 120 ngày cho người lao động trong lĩnh vực hàng không, thực chất là thể hiện cho những  tranh chấp lao động rất bình thường có thể diễn ra ở các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, ông Lê Đăng Doanh nói, xét riêng trong trường hợp Vietnam Airlines, hãng đã sử dụng công cụ hành chính để giải quyết bằng cách kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải can thiệp.

“Một bộ không nên can thiệp hành chính để hạn chế quyền hợp pháp của người lao động để ủng hộ cho phía sử dụng lao động là một tổng công ty nhà nước trực thuộc bộ mình”, ông nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực, trong đó có cam kết quy định lao động có chứng chỉ đào tạo về 8 nghề được 10 nước công nhận và những chứng chỉ khác được quốc tế công nhận được quyền tự do di chuyển trong các nước ASEAN.

Như vậy, hoàn toàn có khả năng các phi công của các hãng hàng không trong nước sẽ có thể chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không ASEAN khác. Cạnh tranh bình đẳng sẽ diễn ra trong cả AEC, và lúc đó, có khả năng sự can thiệp hành chính để hạn chế sự dịch chuyển của phi công sẽ vi phạm cam kết về dịch chuyển lao động của AEC.