16:32 05/01/2011

Thúc cổ phần hóa từ chuyện nhân sự

Anh Minh

Tiến trình cổ phần hóa sẽ được thúc đẩy khi có thêm nhân sự “chuyên trách”?

Chính phủ dường như đang muốn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa một cách mạnh mẽ hơn nữa - Ảnh: SGGP.
Chính phủ dường như đang muốn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa một cách mạnh mẽ hơn nữa - Ảnh: SGGP.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ sung, sửa đổi Điều 4 Quyết định số 1/2008/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Theo quyết định này, Thủ tướng bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Quốc Doanh, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, giữ chức Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đồng thời, thêm ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Hiện tại, Ban đã có Trưởng ban là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và một Phó trưởng ban thường trực là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, các ủy viên của ban, là đại diện của các bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm.

Dễ thấy là, với việc có thêm chức danh “chuyên trách”, Chính phủ dường như đang muốn thúc đẩy quá trình này một cách mạnh mẽ hơn nữa, sau nhiều năm loay hoay trong điệp khúc chậm cổ phần hóa.

Đã 20 năm kể từ ngày Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 143/HĐBT ngày 10/5/1990 lựa chọn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa để thử chuyển đổi thành công ty cổ phần, trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu hoàn tất cổ phần hóa vào năm 2010, tuy nhiên ngay cả khi cổ phần hóa trở nên thuận lợi nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong vòng 5 năm trở lại đây, quá trình này vẫn chậm trễ do nhiều nguyên nhân.

Tại cuộc họp báo của Chính phủ cuối năm 2010, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng của năm 2011 và giai đoạn 2011-2015. Phát biểu này được ghi nhận như là một sự “gia hạn” về thời điểm hoàn tất cổ phần hóa.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), trong một bản kiến nghị gần đây nói rằng dù mốc thời gian 2010 sắp qua nhưng thị trường chứng khoán vẫn vắng bóng các doanh nghiệp lớn thuộc những ngành quan trọng như viễn thông, xăng dầu…

Các đại gia như TKV, Petro Vietnam… dù đã cổ phần hóa một số công ty thành viên nhưng để tiến tới cổ phần hóa và đưa tập đoàn mẹ lên sàn còn là một hành trình gian khó. Có thể thấy là ngay cả khi chủ trương cổ phần hóa được thông suốt và điều kiện thị trường thuận lợi, đâu đó vẫn còn những rào cản đối với tiến trình này.

Cổ phần hóa không còn là chuyện “nội bộ” của Việt Nam, khi nó đã được đưa vào các cam kết hội nhập, điển hình nhất là WTO và các hiệp định song phương. Dễ hiểu là tại sao các nhà đầu tư nước ngoài, những người đặt nhiều kỳ vọng vào tiến trình này liên tục có những phàn nàn với Chính phủ. Họ có mục tiêu rõ ràng là tham gia vào quá trình này, cũng như luôn tin rằng nếu cổ phần hóa nhanh chóng và hiệu quả thì chất lượng nền kinh tế nói chung sẽ được nâng lên và gián tiếp tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), ông Hank Tomlinson, trong một bản kiến nghị mới đây đã nói rằng Việt Nam cần có thêm những minh chứng về tinh thần sẵn sàng của Chính phủ trong việc cải tổ hệ thống doanh nghiệp Nhà nước vốn hoạt động thiếu hiệu quả và bị nhiều nhà phân tích coi là nguồn gốc của sự bất ổn định về kinh tế vĩ mô.

Ông này nói rằng các vấn đề về tham nhũng và xung đột lợi ích là những yếu tố gắn liền với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu không giải quyết được các vấn đề cơ bản về điều hành, thì tiến trình phát triển sẽ vẫn là một thách thức.

“Các nhà đầu tư tự hỏi tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nào sẽ thất bại tiếp theo, hoặc tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nào sẽ bị buộc phải nhận lấy những tài sản xấu đưa vào bảng cân đối tài sản của họ. Việc phân phối nguồn lực một cách bất hợp lý như vậy đang tiếp diễn vào thời điểm mà Việt Nam cần phải đưa ra các quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu vốn và chiến lược kinh doanh”, ông nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nói Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới, với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh đặc biệt là sau vụ việc của Vinashin. Nhóm đề nghị Chính phủ xây dựng một lộ trình cụ thể để giảm phần sở hữu vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa”, ông nói.