09:07 09/06/2008

"Vua” hàng không giá rẻ

Mạnh Tuấn

Sau khi mua lại AirAsia bên bờ vực phá sản, Fernandes đã tạo nên một trong những “đế chế” hàng không tên tuổi nhất châu Á ngày nay

Khẩu hiệu “Now everyone can fly” của AirAsia giờ đây cũng đã vươn tới Việt Nam.
Khẩu hiệu “Now everyone can fly” của AirAsia giờ đây cũng đã vươn tới Việt Nam.
Về sự nghiệp chói lọi của Dato' Anthony Francis Fernandes, không ít người đã từng nhận xét rằng đó là một câu chuyện cổ tích có thật về một ý tưởng nhỏ nhưng mang lại những thành công lớn.

Với lòng quyết tâm và một bộ óc mang tầm chiến lược, từ một nhà quản lý doanh nghiệp kinh doanh đĩa nhạc, Dato' Anthony Francis Fernandes đã thẳng tiến tới thành công trong lĩnh vực hàng không của Malaysia và châu Á.

Sau quyết định táo bạo mua lại hãng hàng không AirAsia đang trên bờ vực phá sản, Dato' Anthony Francis Fernandes đã từng bước tạo nên một trong những “đế chế” hàng không tên tuổi nhất châu Á ngày nay. Khẩu hiệu “Now everyone can fly” của AirAsia giờ đây cũng đã vươn tới Việt Nam.

Khai thác trung bình 200 chuyến bay mỗi ngày trên 75 đường bay nội địa và quốc tế, AirAsia chú trọng tới dịch vụ hàng không giá rẻ và là đối tác quan trọng của nhiều hãng hàng không bên ngoài Malaysia, ở Việt Nam là với Pacific Airlines (mới đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines).

Nhà quản lý nổi danh

Cùng với sự phát triển mạnh của lĩnh vực hàng không thế giới, các doanh nghiệp hàng không trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có AirAsia của Malaysia cũng đang đồng loạt triển khai chiến lược mở rộng sang mảng dịch vụ hàng không giá rẻ.

Mới đây nhất, vào ngày 16/5/2008, Chủ tịch kiêm CEO của AirAsia, ông Fernandes đã tuyên bố sẽ đưa vào khai thác đường bay hành trình dài giá rẻ tới Nhật Bản vào đầu năm 2009. Đây là một trong những chiến lược đáng chú ý nhất của AirAsia trong nửa cuối năm 2008 hướng vào thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng nhưng cũng không ít những sức ép từ các đối thủ trong và ngoài khu vực.

Dựa trên thế mạnh của AirAsia, Fernandes rất tự tin cho biết: “Nhật Bản hầu như có rất ít dịch vụ hàng không giá rẻ, do đó, việc thiết lập đường bay giá rẻ sẽ từ Nhật Bản tới Malaysia và ngược lại sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả AirAsia và khách hàng”.

Sau những chuyến đích thân đi khảo sát thực tế tại Nhật Bản, Fernandes dự định sẽ đồng loạt mở 3 đường bay giá rẻ tới Nhật Bản và sẽ còn tiếp tục nhân rộng loại hình dịch vụ này ra các quốc gia như Trung Quốc, ấn Độ, Mỹ trong thời gian tiếp theo. Đối tượng khách hàng tiềm năng nhất cho loại hình dịch vụ này là khách du lịch từ Nhật Bản đi tới các quốc gia khu vực châu Á như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc....Trong khi phát triển và mở rộng thị trường, AirAsia cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết nạn thất nghiệp cho người lao động Malaysia.

Với một mạng lưới hoạt động rộng với nhiều nguồn nhân lực có ngành nghề đa dạng từ phi công, kỹ sư điện tử, tin học, thiết kế website cho tới nhân viên văn phòng và tài chính, hàng năm, AirAsia đã mở ra không ít cơ hội việc làm cho xã hội, đồng thời tạo ra nguồn nhân lực bổ sung quan trọng cho doanh nghiệp.

Sau khi nhận giải thưởng Asia Pacific Brand Channel Award, tháng 5/2008, AirAsia tiếp tục gây tiếng vang khi được Tổ chức Center of Asia Pacific Aviation (CAPA) trao giải thưởng danh giá nhất của ngành hàng không - Airline of the Year. Niềm vinh dự này khẳng định sự phát triển bùng nổ của AirAsia trên thị trường hàng không khu vực và quốc tế. “Airline of the Year” là mốc son đánh dấu khả năng cạnh tranh vượt trội của AirAsia trước các đối thủ lớn trong và ngoài khu vực.

Không chỉ nổi tiếng là một trong 40 người có khối tài sản lớn nhất Malaysia với 230 triệu USD, Fernandes còn được biết tới là chiến lược gia trẻ tuổi trong lĩnh vực kinh doanh. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, với những nỗ lực và khả năng của mình, Tony Fernandes cũng từng được tặng thưởng không ít các giải thưởng lớn gồm: International Herald Tribune Award; Malaysian CEO of the Year 2003; CEO of the Year 2003 do American Express Corporate Services and Business Times trao tặng; “Emerging Entrepreneur of the Year” và “Entrepreneur Of The Year Awards” của Tổ chức Ernst & Young năm 2003; “25 Stars of Asia” của Tạp chí Business Week năm 2005 và “Malaysian Ernst & Young Entrepreneur of the Year 2006”.

Bước vào năm 2008, Tony Fernandes tiếp tục được Tổ chức Singapore Institute of International Affairs (SIIA) bầu chọn là một trong 10 nhà lãnh đạo mới nổi xuất sắc nhất của khu vực châu Á.

Khởi nghiệp với sự tự lập

Tony Fernandes tên đầy đủ là Anthony Francis Fernandes, sinh năm 1964 tại Kuala Lumpur, Malaysia, trong một gia đình có sự hòa trộn hai dòng máu Malaysia và Bồ Đào Nha. Do gia đình làm nghề kinh doanh nên ngay từ khi còn nhỏ, Anthony Francis Fernandes đã được mẹ hướng dẫn làm quen với công việc kinh doanh. Thậm chí, trong những buổi đàm phán và ký kết hợp đồng, Anthony Francis Fernandes cũng thường được mẹ đưa đi cùng để học hỏi.

Tốt nghiệp bậc trung học tại trường Epsom College năm 1983, mong muốn Anthony Francis Fernandes đi theo nối nghiệp kinh doanh của gia đình, bố mẹ đã gửi cậu sang học chuyên ngành tài chính tại trường London School of Economics của Anh. Tới năm 1987, sau khi tốt nghiệp London School of Economics, quyết tâm lập nghiệp ngay tại Anh, Anthony Francis Fernandes xin vào làm nhân viên kế toán của doanh nghiệp Virgin Records của Richard Branson.

Với trình độ chuyên sâu và tố chất thông minh vượt trội, từ một nhân viên kế toán bình thường, Anthony Francis Fernandes nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình và lần lượt được thăng tiến lên vị trí quản lý mảng kiểm toán và sau đó là quản lý tài chính.

Một điều mà nhiều người vẫn còn chưa biết về Anthony Francis Fernandes là niềm đam mê âm nhạc và những cống hiến của ông vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển nền âm nhạc truyền thống của Malaysia.

Cùng với những giải thưởng trong lĩnh vực kinh doanh, để ghi nhận những đóng góp tích cực của Anthony Francis Fernandes vào lĩnh vực bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống, Hoàng thân Malaysia Sultan Salahuddin Abdul Aziz Shah đã từng trao tặng ông giải Setia Mahkota Selangor năm 1999 và tước hiệu “Dato” hoàng gia cao quý. Năm 1992, Dato’ Anthony Francis Fernandes rời Anh và trở về Malaysia theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.

Ngay khi trở về, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã khiến cho giới kinh doanh và dư luận phải đặc biệt chú ý với sự kiện ông được mời về đảm nhiệm vị trí Giám đốc quản lý của Warner Music (Malaysia) Sdn Bhd. Bằng những kinh nghiệm thực tế tích lũy được sau thời gian làm việc tại Virgin Records, Dato’ Anthony Francis Fernandes một lần nữa cho thấy năng lực xây dựng các chính sách phát triển thị trường và tiến hành các chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.

Không lâu sau đó, Dato’ Anthony Francis Fernandes tiếp tục được bầu vào vị trí phó Chủ tịch của Southeast Asia’s Warner Music Group khi mới tròn 28 tuổi. Trong thời điểm đó, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã được coi là một trong những doanh nhân trẻ tài năng hàng đầu Malaysia và khu vực Đông Nam Á.

Thành công với sự quyết tâm

Sau hàng loạt những thành công đã đạt được trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, Dato’ Anthony Francis Fernandes bước vào thị trường hàng không với chồng chất những khó khăn. Đó là năm 2001, thời điểm mà hãng Hàng không quốc doanh AirAsia do làm ăn thua lỗ đang đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Nắm bắt được cơ hội ngàn năm có một đó, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã đưa ra ý tưởng mua lại AirAsia.

Ngay khi biết tới ý tưởng này, không ít người, trong đó có cả những doanh nhân, chính khách đã cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ, đặc biệt là với một cựu quản lý trẻ công ty âm nhạc. Tuy nhiên, với sự tự tin vào khả năng của mình, Dato’ Anthony Francis Fernandes gạt bỏ sức ép từ dư luận và vẫn quyết tâm thực hiện bằng được điều mình mong muốn. Để có được nguồn tài chính cho việc mua lại AirAsia, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã phải đi vay những khoản tiền khổng lồ từ các doanh nghiệp Petronas, Malaysian Airlines và Malaysian Airports.

Và khi đã huy động đầy đủ được nguồn vốn, Dato’ Anthony Francis Fernandes tiếp tục gặp khó khăn trong việc thuyết phục nhà nước nhượng lại quyền sử dụng AirAsia. Dato’ Anthony Francis Fernandes đã từng phải tìm cách gặp bằng được các quan chức của Nhà nước, thậm chí là cả Thủ tướng Mahathir.

Cuối cùng, sau 2 năm nỗ lực, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã giành được quyền sở hữu AirAsia và xin được giấy phép hoạt động cho công ty.Thoát khỏi bờ vực phá sản, nhưng khi Dato’ Anthony Francis Fernandes tiếp quản AirAsia, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với vô số những khó khăn từ vật chất, tài chính cho tới nhân sự. Vì còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh mới, trong gần 1 năm đầu, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã phải trực tiếp xây dựng chương trình đầu tư cải tổ toàn diện cho doanh nghiệp.

Đầu tiên là vấn đề nhân sự, Dato’ Anthony Francis Fernandes luôn coi đó là yếu tố hạt nhân đối với sự sống còn của doanh nghiêp; do đó, ông đã áp dụng những chính sách đãi ngộ hào phóng để thu hút những kỹ sư, nhà quản lý tài năng về cho AirAsia, đặc biệt là những người từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hàng không.

Nhờ đó, ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, AirAsia đã đảm bảo được một đội ngũ các nhà quản lý, nhân viên có trình độ cao. Fernandes từng cho biết: “Mặc dù kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không của tôi là con số không nhưng tôi lại có trong tay nhiều nhân tài và một số người trong số họ đã hướng dẫn tôi trong quá trình làm việc”.

Với quan điểm khách hàng là trên hết, căn cứ vào nhu cầu ngày càng cao của thị trường hàng không, Dato’ Anthony Francis Fernandes từng bước xoay vòng vốn để nhập về những loại máy bay hiện đại như Airbus A330, Boeing 737-300..., đồng thời mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế. Luôn giữ đúng nguyên tắc “Khi bạn bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng nhất bạn phải lưu tâm là thị trường có nhu cầu với sản phẩm của bạn hay không”, ngay khi bắt đầu đưa “đế chế” AirAsia vào hoạt động, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã được giới kinh doanh đánh giá là một trong những CEO năng nổ, quyết đoán và mưu lược nhất Malaysia.

Nhằm mở rộng hoạt động khai thác sang thị trường quốc tế, đồng thời tránh được sức ép cạnh tranh quá lớn từ các đối thủ, Dato’ Anthony Francis Fernandes thành lập nên thương hiệu hàng không giá rẻ AirAsia X và AirAsia Berhad. Bằng những tính toán hợp lý đó, Dato’ Anthony Francis Fernandes đã một lần nữa tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành hàng không của châu Á khi biến một doanh nghiệp trên bờ vực phá sản thành một trong những hãng hàng không đạt những bước phát triển khó ai có thể tưởng tượng được.

Hiện nay, AirAsia đã khẳng định được vị thế là một trong những hãng hàng không lớn nhất khu vực châu Á, khai thác hơn 200 chuyến bay mỗi ngày trên 75 đường bay nội địa và quốc tế với lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của AirAsia là 8.737.939 người trong năm 2007. Theo kế hoạch, trong vòng nửa cuối năm 2008, AirAsia sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động một loạt các tuyến bay quốc tế mới tới Haikou, Kuantan, Tiruchirapalli, Makassar, Guilin, Perth, Tianjin, London và Nagoya của Nhật Bản.