20:36 02/11/2022

Doanh thu từ phí tăng trưởng mạnh, VPBank báo lãi hơn 19.700 tỷ đồng sau 9 tháng

Thuỷ Tiên

Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 19,7 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch cả năm...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 2/11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có buổi tiếp xúc với các nhà phân tích chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư đặt khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc: Mặt bằng lãi suất tăng có ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của ngân hàng?

Đại diện lãnh đạo VPBank lập tức trả lời, kế hoạch kinh doanh năm 2022 vẫn đi đúng hướng nhờ cơ cấu nguồn thu vững chắc, đặc biệt nguồn thu từ phí đang có tín hiệu rất khả quan.

Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, trong thông điệp gửi khách hàng nhân dịp VPBank tròn 28 tuổi, lãnh đạo ngân hàng này cho hay VPBank đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số gấp 2 - 3 lần, qua đó đa dạng hóa nguồn thu.

Năm 2021 cũng ghi nhận bước chuyển mình quan trọng của VPBank với việc tái định vị và thay đổi nhận diện thương hiệu, gia tăng trải nghiệm khách hàng với mô hình chi nhánh mới, ra mắt phân khúc Khách hàng trung lưu mang tên VPBank Prime, chính thức giới thiệu nền tảng ngân hàng số toàn năng VPBank NEO.

Đến nay, lãnh đạo VPBank thông tin, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng app VPBank NEO trong quý 3 tăng 67% so với cùng kỳ, góp phần đưa tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng. Số lượng giao dịch qua VPBank NEO trong 9 tháng đầu năm tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tỷ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên cùng nền tảng đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021.

Tương tự, ngân hàng số Cake by VPBank, chỉ sau khoảng 21 tháng ra mắt, đã có được hơn 2,2 triệu khách hàng tham gia. Ngoài ra, các app nổi trội khác như VPBank Race CAR đã giúp VPBank giành được các thỏa thuận độc quyền với nhiều hãng xe ô tô như Hyundai, Honda và Mitsubishi.

Doanh thu từ phí tăng trưởng mạnh, VPBank báo lãi hơn 19.700 tỷ đồng sau 9 tháng - Ảnh 1

Các yếu tố này được phản ánh cụ thể vào kết quả kinh doanh. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, thu nhập từ phí của VPBank tăng tới 59,2%. Trong đó, thu nhập từ hoạt động thanh toán và ngân quỹ  tăng 79% so với cùng kỳ nhờ ngân hàng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tài trợ thanh toán và giao dịch qua POS ở tệp khách hàng là hộ kinh doanh, tạp hóa, minimart… Đến 30/9/2022, VPBank đã có hơn 5,000 POS toàn quốc, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu phí từ thẻ cũng tăng 33% so với cùng kỳ tương ứng với tăng số lượng thẻ phát hành và tăng số lượng giao dịch. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn giữ đà tăng 68% so với cùng kỳ, riêng doanh số bảo hiểm từ AIA tăng trưởng 79%.

Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 3 của VPBank vẫn đạt gần 4,4 nghìn tỷ, tăng 4,8% so với quý 2. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 19,7 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch cả năm.

“Mặc dù thu nhập từ lãi hợp nhất 9 tháng vẫn tăng 19%, song trong quý 3 đã có xu hướng đi ngang do ảnh hưởng hạn chế của hạn mức tín dụng, cũng diễn biến tăng lãi suất huy động. Rất may, bù đắp vào đó, thu nhập ngoài lãi lại tăng trưởng tốt và đóng góp 30% vào tổng mức thu nhập hoạt động 45 nghìn tỷ đồng. Và nổi bật trong thu ngoài lãi chính là các khoản doanh thu từ phí”, đại diện VPBank nhấn mạnh.

Doanh thu từ phí tăng trưởng mạnh, VPBank báo lãi hơn 19.700 tỷ đồng sau 9 tháng - Ảnh 2

Nhìn chung, trải qua thời kỳ Covid-19, các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, cũng là lúc quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Trong bối cảnh hoạt động của ngành còn nhiều khó khăn trong quý 3/2022 với hạn mức tín dụng eo hẹp và môi trường lãi suất tăng nhanh, nguồn thu từ phí chính là là điểm cân bằng giúp các ngân hàng duy trì đà tăng trưởng. Và đây cũng là điểm khác biệt của hiện tại so với chỉ một vài năm trước, khi nguồn thu chủ yếu của ngân hàng vẫn đến từ hoạt động cho vay truyền thống.

Cập nhật tại một toạ đàn gần đây, lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Qua đó, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.