22:07 24/03/2024

Dốc sức đưa thị trường bất động sản trở lại bình thường

Phan Nam

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản như: tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh bất động sản... 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chỉ đạo tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2024 về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương phải có địa chỉ, thời hạn cụ thể; bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, bao giờ hoàn thành…

THỊ TRƯỜNG CÓ NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác, đánh giá cao những kết quả chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện dự án bất động sản nhờ vào sự quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, thị trường bất động sản nói chung, nhất là việc tháo gỡ khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, TP.HCM đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất sản TP.HCM tổng hợp kiến nghị. Hiện, Thành phố đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án, trong đó có 39 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Tại Hà Nội, qua rà soát 404 dự án có vướng mắc, thành phố đã phân loại, giải quyết theo hướng: 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án (đã có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan) thì tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.

Thành phố Hải Phòng đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4/15 dự án còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định. Cần Thơ đã giải quyết được 17 dự án, trong đó, 5 dự án đã được thu hồi; 12 dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án, trong đó có 22 dự án gặp khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án có khó khăn về xác định giá thu tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất; 3 dự án có khó khăn về thủ tục giao đất; 1 dự án có khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn đối với 26 dự án (gồm 19 dự án khu đô thị; 7 dự án nhà ở xã hội) và đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án…

NHIỀU DỰ ÁN VẪN CÒN VƯỚNG MẮC

Nhìn nhận về các kết quả đã đạt được, Thường trực Tổ công tác đánh giá vẫn còn một số hạn chế. Bên cạnh những địa phương nỗ lực vào cuộc, vẫn còn một số địa phương mà Tổ công tác đã làm việc trực tiếp nhưng đến nay, chưa nhận được báo cáo kết quả thực hiện tháo gỡ. Một số địa phương chưa thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, hoặc chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn. Việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét, chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để.

Hiện tại ở nhiều địa phương còn không ít khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật. Thực trạng này thể hiện ở việc nhiều tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định. Đặc biệt, chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai; chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Cũng theo Tổ công tác, nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế mặc dù đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) tháo gỡ, nhưng hiện nay, các luật này chưa có hiệu lực thi hành, nên chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết: theo thông tin từ Bộ Xây dựng, giữa năm 2023, cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý, trong đó, TP.HCM có 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.

Nhờ hoạt động tích cực của Tổ công tác của Chính phủ, nhất là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của các địa phương, cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, các “trái chủ”, nên đến nay, cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở. Riêng TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tuy vậy, kể từ ngày 1/1/2025 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) sẽ vẫn còn khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại chỉ có “đất khác không phải là đất ở”, hầu hết là các dự án có quy mô diện tích lớn hoặc rất lớn, thuộc trường hợp đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Bởi Điểm b, Khoản 3, Điều 122, Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác”, chưa quy định trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở”…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dốc sức đưa thị trường bất động sản trở lại bình thường - Ảnh 1