15:41 05/04/2024

Đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã

Chu Khôi

Trong số gần 72.500 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp cả nước, có tới 44% chưa qua đào tạo, 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học. Vì vậy, cần đổi mới công tác đào tạo cho nhân lực hợp tác xã một cách toàn diện, chuyên sâu gắn với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…

Các tổ chức kinh tế tập thể cần phải tự nâng cấp chính mình.
Các tổ chức kinh tế tập thể cần phải tự nâng cấp chính mình.

Ngày 5/4/2024, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể”.

HỢP TÁC XÃ KÉM HIỆU QUẢ DO TRÌNH ĐỘ NHÂN LỰC HẠN CHẾ

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có 31.364 hợp tác xã, 133 liên hiệp hợp tác xã và 120.983 tổ hợp tác. Số lượng hợp tác xã thành lập mới trong năm 2023 là 2.156 hợp tác xã.

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã ước đạt gần 126 nghìn người, tăng gần 9.000 người (tăng 7,6%) so với năm 2022. Tính đến hết năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là hơn 45 nghìn người (chiếm 36%); số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học hơn 29 nghìn người (chiếm 23%).

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định: Tìm ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, cũng đều gặp rất nhiều lãnh đạo hợp tác xã có tình thần nhiệt huyết. Tuy nhiên, ở bất kỳ vị trí nào cũng đều lo lắng về nguồn nhân lực. Vì vậy, đào tạo nhân lực là một trong 6 chính sách rất quan trọng của nhà nước ta về phát triển hợp tác xã.

Theo bà Vân, ngày nay, các hợp tác xã đã, đang và sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều hơn với những thách thức to lớn từ những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch, ở mức độ tinh vi, dễ thay đổi và khó lường hơn trước rất nhiều.

Phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới với các hợp tác xã và tương đối phức tạp, cả về pháp lý lẫn yêu cầu từ thực tế. Do đó, các tổ chức kinh tế tập thể cần phải tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới để tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập và cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay chính trên “sân nhà”-thị trường nội địa.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) cho biết thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã là một trong những nội dung được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

 

"Bình quân hằng năm có 5.565 người sau học nghề đã thành lập tổ nhóm hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo việc làm cho bản thân và lao động khác tại địa phương".

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.

Trong 11 năm thực hiện Đề án, có 61.217 người sau khi học nghề thành lập tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ (khoảng gần 2% số người có việc làm sau học nghề).

Dẫn "Sách Trắng Hợp tác xã 2023" do Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố, TS Võ Thị Kim Sa, Nguyên Phó hiệu trưởng - Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho hay hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 51,1% trong tổng số hợp tác xã cả nước, nhưng doanh thu thuần chỉ chiếm 13,2%, lợi nhuận trước thuế gần như bằng 0.

Trong khi, hợp tác xã trong khu vực dịch vụ chiếm 30,6%, nhưng doanh thu thuần chiếm 67,1%, lợi nhuận trước thuế chiếm 60,3% trong tổng số hợp tác xã của cả nước. Hợp tác xã trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,3% tổng số hợp tác xã, chiếm 19,7% doanh thu thuần và chiếm 42,9% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ khối hợp tác xã.

“Như vậy, các hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp tuy về số lượng chiếm tỷ trọng cao hơn khu vực công nghiệp và xây dựng, nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn so với các hợp tác xã trong khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng. Phải chăng một trong những nguyên nhân của sự yếu kém này là sự hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực?”, TS Sa nêu câu hỏi?.

CẦN ĐỔI MỚI NỘI DUNG ĐÀO TẠO

Dẫn số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), TS Sa cho biết trong toàn cảnh Hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam 2022, thì trong 72.359 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp cả nước có tới 44% chưa qua đào tạo, 40% có trình độ trung cấp, sơ cấp và chỉ có 16% tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học.

TS Sa cho rằng trong môi trường kinh doanh toàn cầu biến động nhanh và có tính cạnh tranh cao hiện nay, những người cầm lái “con thuyền hợp tác xã” trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động nhạy bén trong quản trị kinh doanh. “Tầm nhìn của hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã phải vượt qua được giới hạn của những suy nghĩ thông thường, có tính sáng tạo và khả năng dự đoán những biến động để “mở đường” cho hợp tác xã tiến lên.

Theo TS Sa, ngoài kiến thức về quản trị kinh doanh, các chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã cần chú trọng năng lực lãnh đạo và kỹ năng “nuôi dường tinh thần hợp tác”. Bởi vì một đặc trưng riêng biệt của hợp tác xã, mà không có ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào, là lực lượng đông đảo thành viên vừa là những người đồng sở hữu hợp tác xã, vừa là những người khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của hợp tác xã.

“Đa số họ là những người sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với tư duy hạn hẹp “đèn nhà ai nấy rạng”. Người lãnh đạo hợp tác xã cần am hiểu tâm lý và có kỹ năng truyền cảm hứng, khai phóng sức sáng tạo của các thành viên hợp tác xã để họ sẵn sàng vượt qua những giới hạn mới”, TS Sa nhấn mạnh.

 

"Nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả sau đào tạo và khả năng áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn". 

TS. Nguyễn Viết Cường Hiệu trưởng - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Bắc Bộ.

TS. Nguyễn Viết Cường Hiệu trưởng - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Bắc Bộ cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực các hợp tác xã trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, hoạt động đào tạo còn dàn trải, phân tán ở nhiều ngành, đơn vị; nội dung, phương thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của hợp tác xã.

Độ tuổi của cán bộ quản lý hợp tác xã khá cao, phản ứng chậm với sự thay đổi thường xuyên của thị trường; thiếu tính chủ động, sáng tạo trong định hướng hoạt động.

Kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể chưa được quan tâm. Trong khi đó, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực kinh tế tập thể còn yếu.

Ông Nguyễn Viết Cường kiến nghị cần đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, chuẩn hóa hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo, trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập trong các trường đào tạo, bồi dưỡng do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý.

Cần mở rộng giới hạn về độ tuổi hỗ trợ đào tạo; mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm thu hút đối tượng cán bộ trẻ tham gia khu vực kinh tế hợp tác – hợp tác xã. Cần đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu gắn với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc thù của vùng, miền, địa phương, đáp ứng với yêu cầu phát triển hợp tác xã trong điều kiện mới.