16:07 09/10/2023

Đồng Nai trước thách thức giải ngân vốn đầu tư công ba tháng cuối năm

Xuân Nghi

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95%. Tuy nhiên, tính đến hết quý 3/2023, nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 27% kế hoạch...

Hiện nay Đồng Nai đang có một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, với số vốn được giao là 1.436 tỷ đồng.
Hiện nay Đồng Nai đang có một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, với số vốn được giao là 1.436 tỷ đồng.

Kết thúc quý 3/2023, báo cáo sơ kết tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương này hiện đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023 là trên 14.700 tỷ đồng. Song, tính đến hết quý 3/2023, nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên toàn địa bàn chỉ đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 27% kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp nhất của tỉnh so với cùng kỳ nhiều năm gần đây và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp, theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này là do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công dự án,…

Cụ thể, trong năm 2023 tỉnh có 25 dự án đầu tư vốn đầu tư công. Để triển khai theo kế hoạch, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được bố trí nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 9, Ban quản lý đã giải ngân nguồn vốn khoảng 388 tỷ đồng, đạt hơn 31% kế hoạch vốn được giao. Trong 25 dự án được giao, có 4 dự án vẫn chưa thể giải ngân nguồn vốn.

Một số dự án hạ tầng giao thông vướng giải phóng mặt bằng như dự án đường Hương Lộ 2, đường ven sông Sài Gòn, đường ven sông Cái,… thuộc địa bàn TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu…

Trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ lệ giải ngân gần bằng 0% sau 9 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đơn vị thi công dự án nâng cấp, sửa chữa hệ thống sân đường, hàng rào, mương thoát nước, vỉa hè của bệnh viện chậm thực hiện hợp đồng, nên lãnh đạo cơ sở y tế này cho biết tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của đơn vị đến nay là 0%. 

Tương tự, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng lý giải do đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc của Sở chưa đạt yêu cầu nên quá trình thẩm định, hồ sơ đã phải chỉnh sửa. Vì vậy, đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn.

Trước tình hình này, ngày 27/9/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2023. Chỉ thị nhấn mạnh đồng thời tái xác định mục tiêu trong năm 2023 của tỉnh là phấn đấu tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh phải đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ 67% còn lại trong 3 tháng cuối năm là một thách thức không nhỏ đối với Đồng Nai. Quyền chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tấn Đức nhấn mạnh như vậy và yêu cầu các cơ quan liên quan phải sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Một dự án (dự án nhà ở xã hội) sử dụng nguồn vốn đâu tư công, trên địa ban TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: dongnai.gov.vn.
Một dự án (dự án nhà ở xã hội) sử dụng nguồn vốn đâu tư công, trên địa ban TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: dongnai.gov.vn.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai chỉ rõ: Nguồn vốn bố trí cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm khối lượng khoảng 2/3 tại mỗi công trình. Nếu giải quyết được các vướng mắc, giải ngân được nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng thì tỷ lệ giải ngân vốn sẽ đạt kết quả khả quan hơn.

Ông Nguyễn Tấn Đức đề nghị trong thời gian từ nay đến hết năm 2023 phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Ông yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện và thành phố (Biên Hòa và Long Khánh) rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, con người thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ. Tiến hành thành lập các tổ vận động bàn giao mặt bằng để làm công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng.

“Phải cải tổ bằng được đội ngũ và quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ. Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án”, ông Đức nêu rõ.

Trước đó, ngày 24/7/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Trong phần giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương, gồm: Khánh Hòa 1.845 tỷ đồng, Đắk Lắk 1.641 tỷ đồng, Đồng Nai 1.436 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.976 tỷ đồng, Tiền Giang 872 tỷ đồng, Cần Thơ 3.250 tỷ đồng, Hậu Giang 3.466 tỷ đồng, Sóc Trăng 3.769,5 tỷ đồng, An Giang 4.928 tỷ đồng, Đồng Tháp 1.410,8 tỷ đồng.

Như vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội này, với số vốn được giao là 1.436 tỷ đồng. Nguồn vốn phân bổ này có thời hạn trong năm 2023; cho nên nếu Đồng Nai không thể giải ngân hết nguồn vốn này thì có khả năng sẽ bị “cắt” vào năm tới và các năm tiếp theo sau nữa.