Đồng tiền mất giá kỷ lục, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ “lâm nguy”
Sự sụt giá đồng tiền có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế vào đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị bầu cử
Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức ngăn đà lao dốc của tỷ giá đồng nội tệ Lira, trong bối cảnh sự sụt giá đồng tiền có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế vào đúng thời điểm nước này chuẩn bị bầu cử.
Theo hãng tin CNN, tỷ giá đồng Lira so với đồng USD đã "bốc hơi" 20% kể từ đầu năm, một phần do các nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi vào đầu tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát tín hiệu rằng ông muốn nắm quyền kiểm soát lãi suất - điều mà ông cho là "cha mẹ của mọi điều xấu xa".
Tình hình sẽ xấu hơn?
Sau phát biểu này của ông Erdogan, các nhà đầu tư các tháo chạy mạnh khỏi đồng Lira, khiến tỷ giá đồng tiền này rớt xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 20 cent đổi 1 Lira. Để cứu tỷ giá, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư tuần này có động thái khẩn cấp nâng lãi suất lên 16,5% từ mức 13,5% trước đó.
Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất này chỉ đủ sức đưa tỷ giá đồng Lira tăng nhẹ trước khi trở lại với xu hướng giảm. Các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ còn xấu đi trong thời gian tới.
"Chúng tôi nhận việc tăng khẩn cấp lãi suất như vậy chỉ có tác dụng ở mức tối thiểu", một báo cáo ra ngày 24/5 của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics nhận xét. Oxford Economics dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào đầu tháng 6, lên mức 19,5%.
Tốc độ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức khoảng 11%, và đồng tiền rớt giá nhanh đẩy giá cả tăng càng mạnh hơn. Mỗi năm, Thổ Nhĩ Kỳ phải chi hàng trăm tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, bao gồm xe hơi, quần áo, tủ lạnh… Những mặt hàng này đang trở nên ngày càng đắt đỏ dưới sức ép tỷ giá.
Một số người dân nước này nói với phóng viên CNN rằng họ đã cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ và phải thắt lưng buộc bụng. "Nhìn chung, tôi thấy giá cả đang tăng lên. Điều này tác động tiêu cực đến chúng tôi", một sinh viên đại học Thổ Nhĩ Kỳ có tên Yasemen Atan nói.
Trước phản ứng mạnh của giới đầu tư, ông Erdogan có vẻ rút lại lời đe dọa can thiệp vào chính sách tiền tệ. Hiện vị Tổng thống này đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/6.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tôn trọng các nguyên tắc và thể chế thị trường tự do", ông Erdogan tuyên bố hôm thứ Tư tuần này.
Nhưng các chuyên gia cho rằng tuyên bố này là quá muộn màng và không còn tác dụng, vì thiệt hại đã xảy ra rồi.
"Những phát biểu trước của ông Erdogan vẫn còn mới trong tâm trí của các nhà đầu tư. Các chính trị gia không nên gây lo ngại rằng họ sẽ quyết định chính sách tiền tệ", ông Per Hammarlund, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường mới nổi thuộc ngân hàng Thụy Điển SEB, nhận định.
Giới chuyên gia lo ngại lạm phát cao có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, sự thoái vốn khỏi nước này có thể tiếp tục đẩy nhanh.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao, tương đương hơn 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Điều này đồng nghĩa với việc nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu và Thổ Nhĩ Kỳ cần dòng vốn từ bên ngoài để bù đắp cho thâm hụt thương mại.
Ẩn số bầu cử
Tình trạng này đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải dựa vào những khoản vay ngắn hạn để đảm bảo hoạt động cho nền kinh tế, nhưng rủi ro nằm ở chỗ nguồn vốn có thể cạn khô nếu các nhà đầu tư tháo chạy.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên rất dễ tổn thương, bởi phần lớn nguồn vốn vay của họ có thời hạn dưới 1 năm", ông Hammarlund nhấn mạnh. "Các nhà đầu tư đang chờ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thêm biện pháp để giảm rủi ro cho nền kinh tế".
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, để có thể tiếp tục vay tiền của nhà đầu tư nước ngoài, và ổn định tỷ giá. Các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ nước này nên cắt giảm các biện pháp kích cầu kinh tế, tránh bơm thêm đồng nội tệ ra thị trường.
Hôm thứ Tư, ông Erdogan nói nếu tái đắc cử Tổng thống, ông sẽ "thực hiện những biện pháp cần thiết để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và hạ lạm phát", đưa ổn định tài chính thành một ưu tiên.
Tháng trước, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành bầu cử sớm vào tháng 6, sớm hơn trên 1 năm so với dự kiến ban đầu. Động thái này diễn ra sau khi một cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái quyết định trao quyền lực rất lớn cho Tổng thống, song song với giảm quyền lực của Quốc hội. Người thắng trong cuộc bầu cử tháng 6 sẽ được sử dụng quyền lực mới này sớm hơn dự kiến ban đầu, và đây chính là lý do ông Erdogan muốn bầu cử sớm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không cho rằng ông Erdogan chắc chắn thắng cử, dù ông đang là ứng cử viên có ưu thế dẫn đầu.
Ông Timothy Ash, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc BlueBay Asset Management, cho rằng sự mất giá của đồng Lira có thể ảnh hưởng bất lợi đến ông Erdogan trong cuộc bầu cử sắp tới. "Người Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan tâm đến tỷ giá", và họ sẽ đặt câu hỏi về năng lực điều hành kinh tế của ông Erdogan - ông Ash nhận định.
Ông Erdogan giữ cương vị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003, trước khi trở thành Tổng thống nước này vào năm 2014. Ông luôn cho rằng mình đã đạt nhiều thành tựu kinh tế, mang lại lợi ích cho tầng lớp dân nghèo và trung lưu, vốn là lực lượng ủng hộ chính của ông.
Vào hôm thứ Tư, có vẻ như ông Erdogan nói rằng vấn đề tỷ giá hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ các nguyên nhân bên ngoài. "Biến động tỷ giá là do các yếu tố toàn cầu và không phải chỉ liên quan đến riêng Thổ Nhĩ Kỳ", hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời ông Edorgan.