18:08 14/02/2024

Đồng yên rớt giá dưới mức quan trọng, giới chức Nhật cảnh báo can thiệp

An Huy

Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã mất giá hơn 6% so với USD, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu lùi kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong 3 tháng, sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ cao hơn dự báo - điểm dữ liệu củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Đồng yên Nhật Bản trượt giá dưới ngưỡng quan trọng so với USD, khiến giới chức nước này đưa ra cảnh báo có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 13/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này đều cao hơn so với dự báo tăng tương ứng 0,2% và 2,9% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Không tính đến hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn và thường xuyên về giá cả là thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tháng 1 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,3% ghi nhận trong tháng 12. So với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tăng 3,9%, bằng mức tăng của tháng 12.

XU HƯỚNG TĂNG MẠNH CỦA USD VÀ ĐÀ GIẢM CỦA YÊN

Sau khi báo cáo được công bố, kỳ vọng của các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai về thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi suất dịch chuyển sang tháng 6. Cùng với đó, khả năng đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed diễn ra vào tháng 3 đã không còn, trong khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 5 giảm còn hơn 30%. Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất này đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,8% trong phiên ngày 13/2, đạt gần 105 điểm - cao nhất 3 tháng. Từ đầu năm đến nay, Dollar Index đã tăng hơn 3,5%.

So với đồng yên, USD tăng vọt gần 1%, lên mức 150,88 yên đổi 1 USD, cao nhất 3 tháng. Giới phân tích nói rằng mốc 150 yên/USD là một ngưỡng tâm lý quan trọng mà giới chức Nhật Bản có thể đẩy mạnh việc cảnh báo can thiệp.

“Một vài biến động mạnh gần đây của tỷ giá là phù hợp với các yếu tố kinh tế nền tảng, nhưng cũng có một số biến động rõ ràng mang tính chất đầu cơ. Tôi cho rằng biến động do đầu cơ là điều không nên có. Nhà chức trách sẵn sàng để phản ứng 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, ông Masato Kanda, phát biểu trước báo giới ngày 14/2.

Đây được xem là phát biẻu mạnh mẽ nhất của ông Kanda - vị quan chức cấp cao nhất về tỷ giá của Chính phủ Nhật Bản - kể từ tháng 11 năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã mất giá hơn 6% so với USD, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu lùi kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất, cũng như giảm bớt kỳ vọng về số lần mà Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay. So với đồng euro, đồng yên đã giảm giá 3,5% từ đầu năm.

Áp lực mất giá đối với đồng yên gia tăng từ tuần trước sau khi Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Shinichi Uchida nói rằng ngay cả khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, sẽ khó có chuyện cơ quan này tăng lãi suất liên tục và nhanh.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, đồng yên đã mất giá hơn 23% trong 2 năm qua, nhiều hơn bất kỳ đồng tiền lớn nào mà hãng tin này theo dõi. Nguyên nhân khiến yên trượt giá là sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phương Tây: trong khi Nhật giữ lãi suất âm và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để kéo lạm phát tăng và vực dậy tăng trưởng kinh tế, các nền kinh tế như Mỹ, Anh và châu Âu đã tăng lãi suất dồn dập để chống lại mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.

NHÀ ĐẦU CƠ GIÁ LÊN ĐỒNG YÊN BỊ “HỚ”

Ông Uchida nói điều kiện tài chính sẽ tiếp tục trạng thái nới lỏng, xét đến triển vọng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở thời điểm hiện tại. Đây là sự tái khẳng định quan điểm mà Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đưa ra trước đó.

“Mối lo ngại trên thị trường tài chính về các cảnh báo của giới chức Nhật Bản đang tăng lên, và từ thời điểm này trở đi, các nhà đầu tư cần đánh giá cường độ của sự cảnh báo. Giới đầu tư sẽ cảm thấy lo lắng về khả năng nhà chức trách có thể có hành động can thiệp”, chiến lược gia cấp cao Keiichi Iguchi của công ty Resona Holdings nhận định.

Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào tháng 9 và tháng 10/2022 - những đợt can thiệp đầu tiên để ngăn đà giảm giá của đồng yên kể từ năm 1988. Trong hai đợt, Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi số tiền tương đương khoảng 60 tỷ USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

Bước sang năm 2024, nhiều tổ chức dự báo đã cho rằng đồng yên sẽ tăng giá trong năm nay vì Fed sẽ tiến tới giảm lãi suất còn BOJ sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự dịch chuyển trong kỳ vọng lãi suất Fed và quan điểm còn mềm mỏng của BOJ đã khiến các dự báo đó chưa trở thành hiện thực ở thời điểm hiện tại, đồng nghĩa các nhà đầu cơ giá lên đồng yên bị “hớ”.

“Thị trường đã thực sự ‘lên dây cót’ cho việc đầu cơ giá lên đồng yên dựa trên kỳ vọng rằng BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Nhưng BOJ sẽ không vội nâng lãi suất và họ cũng không vội bước vào một chu kỳ bình thường hoá chính sách tiền tệ kéo dài”, nhà quản lý danh mục Tom Nakamura của công ty AGF Investments Inc. nhận định.

Hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng BOJ sẽ chấm dứt lãi suất âm vào tháng 4, khi kết quả cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân giữa giới chủ và các tổ chức công đoàn ở nước này đã trở nên rõ ràng.