Dư âm cuộc đấu thầu Sữa học đường 4.000 tỷ của Hà Nội
Nếu mô hình đấu thầu công khai chương trình Sữa học đường của Hà Nội được nhân rộng ra cả nước sẽ giúp ngân sách, phụ huynh học sinh tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng
Thực tế chứng minh những cuộc đấu thầu công khai, minh bạch luôn hiệu quả tối ưu hơn so với hình thức chỉ định thầu.
Hà Nội tiết kiệm hơn 352 tỷ từ đấu thầu công khai
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây đã công bố kết quả đấu thầu công khai Chương trình Sữa học đường. Theo đó, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức trở thành nhà cung cấp chương trình sữa học đường trên địa bàn Tp.Hà Nội thông qua hợp đồng trị giá hơn 3.828 tỷ đồng.
Ngày 10/10/2018, Hà Nội tổ chức đấu thầu công khai chương trình Sữa học đường với những quy chuẩn thầu khắt khe nhằm chọn ra nhà thầu uy tín, có đủ năng lực sản xuất và giá rẻ nhất.
Cuộc đấu thầu công khai của Hà Nội diễn ra khá khốc liệt khi có tới 11 đơn vị tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 3 doanh nghiệp tham gia cuộc đấu thầu do những yêu cầu cao về năng lực tài chính, sản xuất và áp lực giá cạnh tranh.
Sau 32 ngày, tức 12/11, Hà Nội chính thức mở gói thầu công khai có sự chứng kiến của các bên liên quan. Kết quả là, Vinamilk đã trúng giá áp đảo khi là đơn vị đủ năng lực, bỏ thầu giá rẻ nhất là 3.828 tỷ đồng, thấp hơn 130 tỷ đồng so với Công ty Cổ phần Sữa TH.
Chương trình Sữa học đường Hà Nội được công bố với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai chương trình từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...
Như vậy, với giá bỏ thầu của Vinamilk, Hà Nội đã tiết kiệm tới 352 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn mà Hà Nội đạt được nhờ cuộc đấu thầu công khai, minh bạch về một chương trình mang tính an sinh, xã hội.
Không chỉ chọn ra nhà cung cấp tối ưu nhất, Hà Nội còn đặt ra những quy chuẩn khắt khe về chất lượng sữa, đảm bảo đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, sữa được cung cấp cho chương trình phải được bổ sung các vi chất. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg).
Về phía đơn vị trúng thầu, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk cho biết đơn giá trúng thầu của Vinamilk là 6.286 đồng/hộp dành cho loại sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường, dung tích 180ml, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Sản phẩm sẽ có logo "Sữa học đường" và không bán thương mại ngoài thị trường.
Vinamilk cam kết hỗ trợ 23% thay vì 20% so mức mời thầu theo đề án. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước và phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 77% đơn giá trúng thầu của một hộp sữa, trong đó phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% theo quy định của đề án đã được duyệt trước đó.
Như vậy, phụ huynh chỉ cần chi khoảng 2.954 đồng/hộp sữa để con em được uống sữa hàng ngày khi đến trường.
Phải đấu thầu công khai, minh bạch
Thực tế đã chứng minh, đấu thầu công khai là "đũa thần" Hà Nội tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ thành công ở chương trình Sữa học đường, mới đây, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hoàn Kiếm đã gây sửng sốt khi công bố, qua rà soát, tổ chức đấu thầu thu gom rác ở 30 quận, huyện đã giảm được 4.000 tỷ đồng.
Trước đây, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu rà soát chi phí cắt cỏ. Và chỉ 1 lệnh của ông, tổng chi phí cắt cỏ ở nhiều đại lộ, con đường của Thủ đô đã giảm 700 tỷ đồng trong 1 năm.
Thực tế đó cho thấy, đấu thầu luôn hiệu quả hơn là chỉ định thầu, tiết kiệm được nhiều hơn chỉ định thầu. Cho dù là, ngay trong chuyện đấu thầu cũng không ít tiêu cực như quân xanh, quân đỏ... nhưng nhìn chung, cơ bản người ta cũng thừa nhận đấu thầu có xu hướng tạo ra cạnh tranh, giảm chi phí hơn là tiền công cứ giao chỉ định cho người thân quen, "cánh hẩu"….
Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em từ mẫu giáu cho tới tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1340/QĐ-TT ngày 8/7/2016 với mục đích: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm cải giảm tỷ lệ duy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai".
Một chương trình được tiết kế vì tầm vóc trẻ em Việt chắc chắn phải được tổ chức minh bạch, công khai. Từ điển hình đấu thầu công khai của Hà Nội tiết kiệm tới 352 tỷ đồng, có thể nhân rộng ra các địa phương cả nước.
Nếu tất cả các tỉnh, thành khác khi thực hiện Chương trình Sữa học đường đều thực hiện đấu thầu công khai thì con số tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, phụ huynh học sinh sẽ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Đặc biệt, việc đấu thầu cũng chọn ra các nhà cung cấp uy tín, đủ năng lực đảm bảo chương trình không bị gián đoạn, sữa cung cấp đạt chuẩn chất lượng theo Bộ Y tế. Đấu thầu công khai cũng hạn chế tối đa những sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện chương trình.
Chẳng hạn, tỉnh Nghệ An chỉ định cho Công ty Cổ phần Sữa TH thực hiện chương trình Sữa học đường năm 2015 -2017 song mới đây tỉnh đã tạm dừng. Lý do tạm dừng chương trình được Nghệ An đưa ra là để chuẩn bị thủ tục, hồ sơ mời các đơn vị cung cấp sữa tham gia đấu thầu rộng rãi, chọn ra nguồn cung cấp sữa có chất lượng, hạ giá thành và có lợi nhất cho học sinh.