"Dư địa cho ngành Logistics Việt Nam còn rất lớn"
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay trên 400 tỷ USD và còn tăng nhanh, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh thì không gian phát triển ngành dịch vụ Logistics còn rất lớn
Ngành Logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội khá lớn sau khi Thủ tướng ký Quyết định 200/2017 ban hành kế hoạch hành động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Logistics đến 2025.
Tuy nhiên, để ngành dịch vụ quan trọng này có thể vươn lên và cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các bộ ngành, các cơ quan quản lý.
Một trong những động thái đầu tiên và hỗ trợ thiết thực nhất của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp Logistics chính là việc cơ quan này cho ra đời Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 nhằm giúp các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quát nhất về chính thực trạng và định hướng của ngành. Từ đó có thể có những kế hoạch cụ thể hơn cho mình trong những năm tới.
Để hiểu rõ hơn về báo cáo Logistics Việt Nam2017, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Xin ông cho biết ý nghĩa và tác dụng của Báo cáo Logistics Việt Nam 2017? Tại sao Bộ Công Thương lại ban hành Báo cáo này?
Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 là một trong 60 nhiệm vụ mà Thủ tướng giao tại Quyết định 200, ban hành kế hoạch hành động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Logistics đến 2025.
Để thực hiện nhiệm vụ này thì Bộ Công Thương đã thành lập ban biên tập để dự thảo báo cáo này.
Như các bạn đã biết, cùng với đà phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu thì dịch vụ Logistics đã trở thành một dịch vụ rất quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua thì thông tin về Logistics vẫn còn tương đối thiếu và khá rời rạc. Chính vì vậy cần phải có một cáo cáo về Logistics hàng năm để có thể đưa ra những thông tin chính thống và đầy đủ hơn về dịch vụ này.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, thông qua Báo cáo này, Bộ Công Thương cũng muốn cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của Logistics ở Việt Nam, không chỉ các vấn đề liên quan đến khuôn khổ chính sách mà còn là liên quan đến hạ tầng, sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, và đặc biệt là việc ứng dụng dịch vụ Logistics trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành này.
Nhìn chung, Báo cáo Logistics 2017 đã bao hàm tất cả các nội dung chính nói trên. Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo báo cáo này trong một thời gian tương đối ngắn, khá gấp rút.
Do đó, mặc dù có sự tham gia của khá nhiều các chuyên gia đến từ các bộ ngành, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo…và cũng đã cố gắng đưa ra những thông tin trung thực, chính xác nhất về Logistics.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó tránh khỏi một số thiếu sót trong báo cáo này, nên rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia để các báo cáo thường niên năm sau sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong Quyết định 200 của Thủ tướng có giao Bộ Công Thương chủ trì cùng với các bô ngành khác triển khái Quyết định này. Xin ông cho biết, Bộ Công Thương đã làm gì để triển khai Quyết định này?
Ngay trong tháng 4/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị để triển khai Quyết định này. Cũng trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch riêng của Bộ để triển khai Quyết định của Thủ tướng.
Sau đó đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các bộ ngành để kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng.
Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương cùng với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan tổ chức được hai hội thảo quan trong về nguồn nhân lực, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong Logistics.
Tới đây, ngay trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng các đơn vị khác tổ chức Diễn đàn Logistics 2017 và là lần thứ 5 Bộ tổ chức sự kiện này. Báo cáo Logistics 2017 sẽ được công bố tại Diễn đàn sắp tới.
Hiện hạ tầng Logistics của Việt Nam vẫn khá yếu và thiếu, đặc biệt là các trung tâm Logistics cấp khu vực và quốc tế. Bộ có những lộ trình và kế hoạch cụ thể gì để xây dựng và phát triển các trung tâm Logistics?
Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có một số trung tâm Logistics lớn ở các đầu tàu kinh tế quan trọng như Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển thêm các trung tâm Logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành dịch vụ này. 2015 Thủ tướng cũng đã có Quyết định 1012/2015 về kế hoạch, quy hoạch phát triển các trung tâm Logistics .
Trong Quyết định 200 của Thủ tướng cũng đã có nhắc lại nhiệm vụ này, và trong 2018 tới đây, Bộ Công Thương sẽ coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sẽ quan tâm thúc đẩy nhiệm vụ này.
Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng ta sẽ không làm việc đó một cách duy ý chí, bởi luồng hàng hóa di chuyển thì trung tâm Logistics, nó sẽ hình thành ở những nơi có nhu cầu lớn nhất. Chúng ta cần căn cứ theo những quy luật, những đòi hỏi khách quan đó, rồi nhà nước sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chứ Nhà nước không làm thay một cách duy ý chí.
Cùng với mục tiêu hình thành các doanh nghiệp Logistics lớn đủ sức cạnh tranh quốc tế, Bộ Công Thương đã và sẽ có những hỗ trợ gì dành cho doanh nghiệp Logistics?
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã đạt trên 400 tỷ USD và còn tăng nhanh, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh thì không gian phát triển ngành dịch vụ Logistics là còn rất lớn.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra hơn nữa, xét trên cả bình diện ASEAN thì tiềm năng phát triển Logistics là rất lớn. Do đó, Nhà nước hết sức khuyến khích các doanh nghiệp Logistics Việt Nam vươn lên để nắm bắt các cơ hội này.
Về phía Chính phủ thì cũng sẽ có những hộ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó biện pháp đầu tiên là tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam, tránh sự chèn ép thống lĩnh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tiếp đến là hỗ trợ về nguồn nhân lực thông qua việc đưa ra một chương trình đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Logistics .
Cần thúc đẩy sự liên kết các doanh nghiệp Logistics trong nước với nhau cũng như việc đề cao vai trò và đổi mới hoạt động của các hiệp hội, hướng đến một môi trường cạnh tranh công bằng, phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Diễn đàn Logistics mà Bộ cùng các đơn vị khác tổ chức thường niên hàng năm được các doanh nghiệp đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về diễn đàn này?
Diễn đàn Logistics hàng năm là một dịp rất quan trọng để doanh nghiệp trong ngành gặp gỡ nhau cũng như gặp gỡ khách hàng để tìm hiểu về nhu cầu, xu hướng công nghệ mới, tình hình phát triển của ngành từ đó đưa ra các định hướng kinh doanh của mình.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics thì Diễn đàn Logistics cũng có ý nghĩa rất quan trọng, họ có thể tiếp nhận được những xu thế mới trong dịch vụ Logistics, từ đó có thể ứng dụng vào doanh nghiệp mình để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, Diễn đàn Logistics hàng năm cũng là một dịp quan trọng để họ tìm hiểu các xu thế mới, từ đó đưa ra các ý tưởng mới trong việc hoạch định chính sách và pháp luật để tạo điều kiện cho ngành này phát triển hơn nữa.
Sau 4 lần tổ chức diễn đàn, cơ quan quản lý như Bộ Công Thương nhận được những phản hồi gì từ doanh nghiệp?
Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi khá tích cực từ các doanh nghiệp trong nước. Sau 4 lần tổ chức, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng về phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics Việt Nam.
Quyết định này rất quan trọng, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới cũng như nâng cao năng lực cho dịch vụ Logistics Việt Nam. Quyết định này đã ban hành cả một kế hoạch hành động. Hiện Bộ Công Thương cùng các bộ ngành khác đã và đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao trong Quyết định đó.
Chúng tôi hy vọng rằng, với một bản kế hoạch hành động khá chi tiết đã được Thủ tướng thông qua, trong thời gian tới, ngành Logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, phù hợp với nhu cầu và xu thế hội nhập mới của nền kinh tế.